Xã hội dân chủ Mỹ sẽ tan rã như thế nào?

Kính thưa bạn đọc,

Cách phòng thủ tốt nhất là tấn công. Khi Thomas Jefferson viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 tại  Philadelphia, nền dân chủ Mỹ bắt đầu một cách lẻ loi. Nước đầu tiên công nhận sự độc lập của Mỹ là một quốc gia bé nhỏ ở Bắc Phi, Morocco! Nhưng kể đó, chủ nghĩa dân chủ phát triển vũ bão, liên tục tấn công và giành thắng lợi, như một xu thế  không thể cản nổi. Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 khởi đầu cho sự sụp đổ lan  tràn các triều đại phong kiến khắp Châu Âu. Ở Nam Mỹ, tướng Simón Bolívar sau trận đại thắng ở Bacaya năm 1819, cũng nhanh chóng  thành lập quốc hội  dân chủ. Sau Đệ Nhất Thế Chiến, Đức thua trận và thành lập chính quyền dân chủ vào năm 1919. Sau Đệ Nhị Thế Chiến năm 1945, một số quốc gia khác thua trận hoặc mới giành được độc lập cũng theo thể chế dân chủ như Nhật, Hàn Quốc, và Ấn Độ. Sau cuộc chiến tranh lạnh 1989, Nga và các quốc gia Đông Âu đều chọn theo thể chế dân chủ.

Nhưng cũng kể từ sau Chiến Tranh Lạnh, Mỹ ngủ quên trên chiến thắng, các đời tổng thống Mỹ liên tục phạm sai lầm. Bill Clinton dững dưng trước những tội ác nhân loại ở Bosnia và cho Trung Quốc vào WTO với không nhiều ràng buột, Bush Con lao vào cuộc chiến Iraq và Afganistan không lối  thoát. Obama thì nhút nhát để cho Tập Cận Bình đứng trước báo chí ở Toà Bạch Ốc tuyên bố láo rồi quân sự hoá và lấn chiếm Biển Đông. Trump là nhát dao chí tử vào liên minh các quốc gia dân chủ, và cho tới nay vẫn còn ra sức phá nát các định chế dân chủ trong nước. Biden thì chưa biết có làm được gì không trước những tranh cãi bất đồng nội bộ không nhân nhượng giữa hai phe thiên tả và trung lập của đảng Dân Chủ đang cầm quyền.

Trong  khi đó, từ thập niên 1980, giới tài phiệt Mỹ tham tiền, nghe lời dụ dỗ ngọt bùi của Tàu xúi giục chuyển giao công nghệ Mỹ để được hứa hẹn khai thác thị trường bao la Trung Quốc mà cho tới nay vẫn chưa thành hiện thực. Sai  lầm này đã tàn phá nền kỹ nghệ Mỹ và tạo ra phân hoá giàu nghèo dẫn đến những xung đột dữ dội đang xảy ra trong xã hội. Trong khi bên ngoài, Trung Quốc, Nga và các quốc gia độc tài đang ra sức bao vây và xói mòn vị thế lãnh đạo của Mỹ.

Nền dân chủ đầu tiên của nhân loại ở Hy Lạp vào gần 2000 năm trước đã sụp đổ khi những thành công của nó lên đến đỉnh điểm, do các chính trị gia tham lam hủ bại mỵ dân trong một tình cảnh kinh tế xuống dốc tương tự như hiện nay. Có phải khi đi hết quy trình phát triển và không còn đối thủ ý thức hệ để tập trung hội tụ tinh lực nữa, nền dân chủ sẽ tự nhiên tan rã?

Nước Mỹ  từng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng nội tại như cuộc nội chiến về vấn đề nô lệ năm 1865, hay cuộc đấu tranh dân quyền và phong trào phản chiến Việt Nam của thập niên 1960. Nhưng nước Mỹ có còn đủ sức mạnh để phục hồi vai  trò lãnh đạo thế giới như trước kia hay không trước trùng trùng khó khăn từ bên trong cho đến bên ngoài, là một điều chưa thể kết luận được.

Cách phòng thủ tốt nhất là tấn công. Khi ngưng tấn công cũng là lúc bị tấn công.

Chúc tất cả bạn đọc luôn được khoẻ vui,

VTNews