Chuyện ca sĩ Khánh Ly về Việt Nam lưu diễn, bị khối người Việt chống Cộng tại hải ngoại chống đối tẩy chay, vì bà đã từng tuyên bố "sẽ không về Việt Nam nếu vẫn còn Cộng sản." Oái oăm thay, trong khi đó, lúc lưu diễn tại Đà Lạt, bà cao hứng hát bài "Gia tài của Mẹ" của Trịnh Công Sơn, trong đó có câu "hai mươi năm nội chiến từng ngày" cũng bị những người thuộc phe bảo vệ chế độ lên tiếng chê bai tẩy chay kết tội phản động.
Sau giai đoạn Đổi Mới và nhất là sau khi nối lại bang giao với Mỹ, nhà nước Việt Nam đã mở cửa để cho những người có tên tuổi ở hải ngoại, như Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, Thích Nhất Hạnh, về Việt Nam như những sứ giả của hòa giải. Và Khánh Ly cũng là một trường hợp tương tự như vậy.
Nhưng việc bị đứng giữa hai lằn đạn này của Khánh Ly nói lên điều gì về sự nghiệp hòa giải dân tộc của Việt Nam?
Nước Mỹ sau cuộc nội chiến Nam Bắc kéo dài từ 1861 cho đến 1865, tổng thống thứ 16 của Mỹ, ông Abraham Lincoln, có đọc diễn văn ở bãi chiến trường Gettyburg và được sử sách coi như một thông điệp hòa giải hàn gắn quan trọng nhất của người Mỹ. Trong bài diễn văn đó, ông không kết tội đúng sai của ai và nói rằng những người của hai miền Nam Bắc đã nằm xuống trên bãi chiến trường này cho một nước Mỹ tương lai. Và ông kêu gọi người dân Mỹ còn sống hãy tiếp tục sự nghiệp bảo tồn nước Mỹ phía trước để không phụ lòng với những hy sinh cao qúy này.
Nước Đức sau thống nhất năm 1989 và Nam Phi sau khi lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc năm 1994, cũng có những nổ lực hòa giải hàn gắn cụ thể, bằng cách lập ra những ủy ban đi tìm sự thật, báo cáo những tội ác, sai lầm và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Khác với những quốc gia đó, Việt Nam sau thống nhất đất nước năm 1975, đã cho tất cả đối thủ quân sự chính trị thua trận đi tù, và ngược đãi người dân miền Nam, để lại một di sản oán hận cho đến ngày hôm nay.
Nhưng có thể nói, năm 1975 là một thời điểm căng thẳng cao độ của Chiến Tranh Lạnh, Việt Nam phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài, cho nên những động tác trấn áp như thế được một số người cho là bắt buộc và không thể khác được. Về phía chính quyền thì cũng không có một chính sách hòa giải nào mãi cho đến năm 2004 mới cho ra đời Nghị Quyết 36. Về mặt cá nhân, thì chỉ có thủ tướng Võ Văn Kiệt là có một phát biểu mang tính hòa giải với câu trả lời báo chí trong dịp kỷ niệm 30 năm chấm dứt chiến tranh: "Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn."
Nhìn lại nguồn gốc của cuộc nội chiến Việt Nam là do hai trường phái chính trị cộng sản và tự do của những người cách mạng Việt Nam chủ xướng vào đầu thế kỷ 20, nằm trong bối cảnh lớn của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Những người cộng sản Việt Nam thừa hưởng được một sách lược cách mạng triệt để của Nga Sô viết và có một siêu lãnh tụ vĩ đại là Hồ Chí Minh nên đã chiến thắng. Những người Việt theo chủ nghĩa tự do mà được gọi là phe "quốc gia", thiếu sự đồng thuận, thiếu quyết tâm, thiếu lý tưởng chính trị, thiếu tập hợp kỷ luật, thiếu lãnh đạo giỏi, phụ thuộc vào cường quốc Mỹ, mà khi quyền lợi không còn đồng nhất nữa đã bỏ rơi, cho nên đã thua.
Thế nhưng, dù thắng hay thua, dù đúng hay sai, tương tự như tổng thống Lincoln đã nói với người Mỹ, chúng ta có thể nói với nhau rằng, hơn 3 triệu người Việt gục ngã trong chiến tranh, họ đã thực sự cùng nằm xuống cho một Việt Nam tương lai.
Ngày nay, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ khắp nơi, kể cả ở cái nôi sinh ra nó là nước Nga. Dù có công nhận hay phủ nhận, người ta không thể nào hình dung một nước Việt Nam tiếp tục một mình theo đuổi chủ nghĩa cộng sản cho đến cùng được. Còn đi theo chủ nghĩa "cộng sản" của Trung Quốc ư? Có biết cái hình dáng nó như thế nào để mà theo? Nhất là khi nó lại là thế lực tử thù đe dọa sự sống còn của Việt tộc.
Sự thật là Việt Nam không thể nào tiếp tục phát triển chủ nghĩa cộng sản được nữa khi mà lý thuyết Mác Lê không còn được phổ biến rộng rãi, khi mà cả thầy lẫn trò đều không muốn dạy và không muốn học trước một thực tế kinh tế thị trường ngày càng mọc rễ bền chặt.
Nhưng cũng sự thật, là đảng Cộng sản Việt Nam đã lèo lái đưa Việt Nam qua được những cơn khủng hoảng và đang phát triển tốt đẹp, đến nỗi là sự ghen tỵ của nhiều quốc gia khác trong vùng và trên thế giới. Thành quả đó không phải ngẫu nhiên, may mắn có được, mà phải do tài năng thực sự của một bộ máy chính trị có hiệu quả.
Những phê phán về tham nhũng, độc tài, bất công xã hội của những người đấu tranh chống chính quyền Việt Nam hiện nay cũng rất hợp lý và đáng ghi nhận để sửa đổi, tìm giải pháp, và làm cho tốt hơn. Nhưng những kêu gọi làm một cuộc cách mạng lật đổ chế độ là một sự điên rồ quá mức.
Thứ nhất, không ai hiểu nỗi mất mát trong chiến tranh bằng người Việt Nam. Chúng ta có sẵn sàng đánh đổi một điều gì tốt hơn cái đang có của hiện tại bằng mạng sống của hàng triệu người nữa không?
Thứ hai, cái điều được kêu gọi đó có thể gọi tóm gọn là "tự do, dân chủ và đa đảng." Không ai phủ nhận những giá trị này, tuy nhiên, con đường đi đến đó không phải là lúc nào cũng rõ ràng, và không thiếu hiểm nguy rình rập cho số phận của cả dân tộc. Hãy nhìn vào sự tự do, dân chủ và đa đảng của Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, Phi Luật Tân hay của Nga và hãy tự hỏi rằng dân tộc Việt Nam có đủ bản lĩnh để vượt qua những cạm bẫy đó không?
Cho đến nay, những người kêu gọi cách mạng lật đổ chính quyền Việt Nam chưa đưa ra được một phương án thuyết phục nào cho một hành trình đi đến tự do dân chủ thực sự cho Việt Nam. Và một sự thật cần phải nói ra, là những người kêu gọi tự do dân chủ này không thể hiện được sự thực tâm theo đuổi lý tưởng tự do dân chủ trong một môi trường sinh hoạt tự do dân chủ ở hải ngoại. Thậm chí, đa số họ dùng những thủ đoạn phản tự do dân chủ để triệt hạ lẫn nhau. Những hành động này không mang lại sự thuyết phục nào cho những nổ lực kêu gọi đấu tranh của họ đối với người Việt tại hải ngoại lẫn trong nước. Và người ta không tránh khỏi việc đặt vấn đề có phải họ đang theo đuổi một tham vọng quyền lực núp dưới một vỏ bọc lý tưởng chính trị hay không?
Họ là hậu duệ của những nhà cách mạng quốc gia đã thua trận vì yếu kém trong quá nhiều lãnh vực, nhưng họ cũng chưa chứng minh được khả năng bản thân của họ để vượt qua được những yếu kém này của cha ông. Có thể, họ không nhìn thấy hoặc không công nhận đây là những yếu kém của họ. Nhưng sự thật là, sau gần 50 năm, nỗ lực đấu tranh của họ ở hải ngoại là vẫn còn rất nhỏ nhoi. Họ chỉ hy vọng rằng nếu họ xúi dục một cuộc cách mạng màu xảy ra, sau đó, nước Mỹ sẽ nhảy vào bảo kê để tất cả mọi việc diễn biến theo chiều hướng tốt đẹp. Đây lại là một não trạng ỷ lại. Đã bị Mỹ bỏ rơi một lần rồi mà vẫn chưa thuộc bài.
Hòa giải chỉ có được bằng sự tôn trọng sự thật và chân thành đến với nhau. Người dân hải ngoại bằng sự cảm nhận của họ đã về Việt Nam, đã ghi nhận sự tiến bộ trong xã hội, đã cảm thấy an ủi bằng những động thái hàn gắn thầm lặng của nhà nước Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam trên con đường tìm kiếm sự ổn định và tồn tại của chế độ không bằng con đường chủ nghĩa cộng sản nữa, mà bằng con đường phục vụ dân tộc, cũng ôn hòa và cầu thị hơn. Như vậy, cả hai phía đều có những yếu tố khách quan để xích lại gần nhau một cách thực sự.
Nói như vậy, để chúng ta thấy sự vô nghĩa trong việc bẻ chữ ra để chửi nhau, mạt sát nhau, hành hạ nhau chỉ vì hai chữ "nội chiến" hay vì câu "không về Việt Nam khi còn cộng sản." Tất cả đúng sai đều rất tương đối. Tất cả chúng ta đã từng đúng, và đã từng sai. Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều là người Việt Nam. Chúng ta đã sống sót bằng sự hy sinh của hơn 3 triệu người Việt Nam trong chiến tranh.
Nếu vì sự yếu kém và sĩ diện mà thế hệ chúng ta hôm nay đã không tự miệng nói được lời xin lỗi, an ủi với nhau, thì ít nhất hãy bày tỏ một chút lòng chân thành, để thế hệ mai sau làm di sản hành trang trên con đường hòa giải còn nhiều khó khăn của họ, mà chúng ta phải thành thật mà nhận rằng, đã thất bại.