1. Tại sao Việt Nam chỉ có Chùa Một Cột?
Cách tiếp cận của Trung Quốc và Việt Nam với tự do ngôn luận giải thích được một điều từ trước đến nay nhiều người vẫn thắc mắc, đó là tại sao dân tộc Việt Nam không có những công trình kiến trúc hoành tráng vĩ đại như các dân tộc láng giềng. Khi gặp quân Hung Nô, người Trung Quốc xây Vạn Lý Trường Thành, khi gặp tự do ngôn luận, xây "Vạn Lý Tường Lửa" để ngăn chặn. Trong khi người Việt để cho quân Nguyên, quân Thanh vào Thăng Long thoải mái, nhưng rồi sau đó bao vây tiêu diệt. Khi gặp tự do ngôn luận, Việt Nam cũng cho Facebook và YouTube vào rồi sau đó truy tìm diệt gọn đối thủ.
Là một nước nhỏ phân tán rãi rác qua hệ thống làng mạc, Việt Nam không xây công trình thành quách lâu đài hoành tráng vĩ đại có lẽ vì tốn kém bị động, chỉ trở thành mục tiêu dễ dàng cho các thế lực mạnh hơn bên ngoài tấn chiếm. Tư duy quân sự của Việt Nam là dụ địch vào vùng đất của mình, tìm hiểu điểm yếu của đối thủ, rồi sau đó chọn thời điểm để phản công tiêu diệt. Đối thủ nào cũng phải có điểm yếu, cho nên Việt Nam luôn luôn thắng. Có điều thường phải mất thời gian. Đối với Việt Nam, chiếm được Thăng Long là vẫn chưa chiếm được Việt Nam, dù 10 năm của quân Minh, 100 năm của thực dân Pháp, hay 1000 năm của giặc Tàu.
2. Tự do ngôn luận, vũ khí nguy hiểm
Thế nhưng tự do ngôn luận không phải là một đối thủ bình thường, khi chạm vào, nó có thể ăn vào đầu người đọc và biến họ trở thành một con người khác. Cuộc cách mạng dân chủ Mỹ và Pháp đã không xảy ra nếu không có những nhà báo như Thomas Paine. Các nhà cách mạng Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tường Tam đều làm báo. Ngay cả Nguyễn Ái Quốc, đi đến đâu trên thế giới cũng tích cực ra báo, làm báo, viết báo. Đúng như nhà báo kịch tác gia nổi tiếng người Tiệp Tom Stoppard đã từng nói, "nếu muốn thay đổi xã hội, báo chí là vũ khí cấp thời có ngay đầu tiên."
Tự do ngôn luận là quyền phát biểu ý kiến, được Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên công nhận là một trong những quyền căn bản của con người. Tự do ngôn luận là yếu tố đóng góp quan trọng nhất trong hầu hết những sự thay đổi lớn của xã hội, vì thế cho nên nó luôn luôn làm cho những thế lực đang nắm giữ quyền hành cảnh giác, lôi kéo, thu phục, kiềm chế, điều khiển hoặc lèo lái. Khi ông Putin hay Tập Cận Bình lên nắm quyền, việc đầu tiên nhất là triệt hạ cánh nhà báo đối lập. Các cuộc cách mạng thời trước đều ưu tiên chiếm đài phát thanh, đài truyền hình. Các cuộc cách mạng màu thời nay đều bắt đầu từ Internet.
Người Mỹ, trong cơn ngây ngất sau chiến thắng, cho rằng thành quả của cuộc Chiến Tranh Lạnh là mạng Internet sẽ mang tự do ngôn luận đến tận hang cùng ngõ hẻm và làm bùng lên những cuộc cách mạng dân chủ. Sau hơn 30 năm, đúng là Internet đã lan tới khắp nơi, nhưng sinh hoạt tự do ngôn luận khi pha trộn với văn hoá và chính trị đia phương đã mọc lên những hình thù đa dạng mới mẻ khác lạ.
3. Việt Nam chạm trán Tự do ngôn luận
Ở Việt Nam hiện nay, ai cũng có thể tự mở trang mạng Facebook để kết bạn hội họp, hoặc kênh YouTube để quảng bá, chia sẻ, truyền thông. Đây là 2 quyền căn bản được những xã hội tự do tôn trọng. Những người phương Tây từng sống ở Trung Quốc khi đến Việt Nam cũng cùng là chế độ Cộng sản, đều hết sức ngạc nhiên khi thấy Facebook và YouTube được cho phép sử dụng rộng rãi trong dân chúng.
Thế nhưng Việt Nam đã tìm ra được điểm yếu của Facebook và YouTube: họ là tư bản tham tiền. Việt Nam không phải tốn kém xây Vạn Lý Tường Lửa hay một hệ thống Internet riêng như ở Trung Quốc. Việt Nam chỉ nhẹ nhàng dùng lời nói nước bọt yêu cầu các nhà mạng xã hội này nếu muốn tiếp tục làm ăn ở Việt Nam thì làm ơn giảm thiểu các trang kênh chống phá nhà nước. Chiêu "âm thầm điểm huyệt" này khiến cho các nhà tranh đấu cho tự do dân chủ ở hải ngoại ngỡ ngàng không hiểu tại sao các nước dân chủ không lên tiếng phản đối những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam mạnh mẽ như họ mong đợi. Việc này cũng cho thấy một Việt Nam mạo hiểm, khôn ngoan và sáng tạo hơn một Trung Quốc "sói lang" trong đối ngoại.
Có thể nói trong các nước theo chế độ Cộng sản còn sót lại, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Lào, thì Việt Nam là xã hội mở cửa tiếp xúc rộng rãi với thế giới bên ngoài nhất. Thực ra, đây chính là truyền thống bao đời nay của dân tộc Việt Nam khi ở vị trí "ngã ba quốc tế." Những du khách phương Tây đi khắp Châu Á, khi dừng lại ở Việt Nam đều có chung một nhận xét nổi bật, người Việt Nam rất vui vẻ, thân thiện và hiếu khách. Chiến tranh liên miên cả thế kỷ làm người Việt quên đi điều này, nhưng đây chính là một tố chất lớn của dân tộc Việt Nam, dùng làm vỏ bọc để tiếp cận thế lực ngoại nhập. Kinh Kỳ, Phố Hiến, Hội An đã từng là những tụ điểm giao thương tấp nập với thế giới. Với một dân tộc hướng ngoại như thế, thì hệ quả đương nhiên là họ sẵn sàng tiếp thu, hội nhập, bắt kịp, nhưng cũng uyển chuyển uốn nắn, tiêu hoá, sáng tạo cho phù hợp với nhu cầu riêng của mình.
Bên cạnh việc tạo áp lực lên các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Việt Nam còn có đội ngũ được cho là "dư luận viên" rất tích cực trong việc lên tiếng bảo vệ chế độ. Nhiều người Việt ở hải ngoại cho rằng đây là những chiến sĩ mạng của Việt Nam, nhưng cũng có thể một phần do người dân tự phát bởi vì họ thực tình muốn bảo vệ môi trường sống ổn định và thành quả kinh tế xã hội đang có. Dù như thế nào đi nữa, số lượng dư luận viên này cộng với hệ thống báo chí tuyên truyền của nhà nước trở thành rất đông và lấn áp hầu hết những tiếng nói chống đối ở hải ngoại.
Việt Nam cũng đã tìm ra điểm yếu của những người Việt Quốc gia lãnh đạo đấu tranh ở hải ngoại. Những người này đơn lẻ trong chia rẽ, đời sống ấm êm khiến trở nên nhút nhát, nói thì nhiều nhưng không dám hy sinh, thích danh tiếng hão, tranh giành hư vị, và nhất là một số hám lợi sẵn sàng phản bội. Chỉ cần một chút tâng bốc phủ dụ là có thể vô hiệu hoá phần lớn.
4. Kết luận
Thế nhưng, vũ khí nào cũng có hai mặt. Và sách lược hay ho nào cũng có những điểm yếu chết người. Việc cho phép tự do ngôn luận, dù trong giới hạn, phổ biến ở Việt Nam, cũng cho những người dân cùng khổ, bị áp bức bất công có một lối thoát để phản kháng. Tất cả những khó khăn về dư luận mà chính quyền Việt Nam gặp phải đều bắt nguồn từ trong nước chứ không phải từ hải ngoại.
Ngoài ra, tự do ngôn luận không có mục đích cũng quẩn quanh và cuối cùng chỉ trở thành công cụ đánh phá lẫn nhau cho những tham sân si cá nhân. Ở những xã hội dân chủ tự do, tự do ngôn luận là công cụ để tranh luận tìm ra những lý giải tốt nhất, hoặc giả nhất thời chưa được, thì cũng soi sáng vấn đề. Để rồi sau đó, sẽ có được những quyết định về những vấn đề này thông qua công cụ bầu cử.
Ở một nước không có bầu cử đại chúng thực sự, thì tự do ngôn luận chỉ là xa xỉ. Những tranh luận sẽ không có kết luận, chẳng có thắng, mà cũng chẳng có thua. Người nói tha hồ nói. Người nghe chẳng biết đâu mà mò. Càng nghe càng bị rối. Tư tưởng không có lối thoát. Xã hội khó có thể phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.