Thế giới đơn cực, đa cực và Việt Nam
Tổng thống của Nga, ông Vladimir Putin, phát biểu tại hội nghị Diễn đàn Luật pháp Quốc tế ở thành phố St Petersburg và ngày 30 tháng 6 năm 2022, rằng thế giới chính trị quốc tế đang chuyển từ trạng thái "đơn cực" qua "đa cực" ngay trước mắt của mọi người, và đó là một thực tế khách quan không thể vãn hồi. Sau phát biểu của ông, dư luận Việt Nam bắt đầu bàn đến chính trị đa cực.
Câu hỏi được đặt ra là có thực như ông Putin nói không, và ảnh hưởng của thế giới đa cực đến Việt Nam như thế nào?
Nhiều người còn sống đã từng sống qua giai đoạn "song cực" của Chiến Tranh Lạnh giữa Nga Sô Viết với Mỹ. Đó là một thời kỳ thế giới bị chia làm hai phe rõ rệt, với ranh giới của "bức màn tre" và "bức màn sắt", tách biệt giao thoa trong tất cả hầu như mọi lãnh vực, từ kinh tế, quân sự, chính trị, xã hội cho đến tư tưởng, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật. Việt Nam trong thời kỳ đó trở thành điểm nóng xung đột của hai phe, với Miền Bắc phe Nga, và miền Nam phe Mỹ. Chiến tranh 20 năm, chết hơn 3 triệu người, đất nước tan hoang. Những quyết định về vận mạng của Việt Nam qua các hiệp định quốc tế bị các cường quốc của hai phe ảnh hưởng xếp đặt hoặc chỉ đạo sâu đậm.
Mỹ móc được Trung Quốc ra khỏi Nga làm Liên bang Sô viết bị tan rã ra thành 15 quốc gia độc lập. Việt Nam ở xa vô tình cũng trở thành độc lập, không còn chịu sự chỉ đạo chi phối từ Nga nữa. Thế giới trở thành "đơn cực" với siêu cường duy nhất là Mỹ. Trung Quốc âm thầm núp bóng Mỹ ra sức canh tân đất nước bằng mọi cách, bằng cách dụ giới tài phiệt tham lam của Mỹ chuyển giao công nghệ, âm thầm đánh cắp tài sản trí tuệ công nghệ của Mỹ và Phương Tây. Mỹ trong khi đó bị lợi dụng giao cho trách nhiệm làm "cảnh sát", giữ an ninh cho thế giới làm ăn.
Hơn 20 năm sau, Mỹ chợt bừng tỉnh trước tình hình phân hóa giàu nghèo trong xã hội, giới công nghệ cao tiếp tục hợp tác với Trung Quốc làm giàu, trong khi giới lao động bình dân bị phá sản vì các nhà máy bị dời chuyển sang Trung Quốc. Xã hội Mỹ bị giao động dữ dội với sự xuất hiện của nhân vật Donald Trump lãnh đạo và giương cao ngọn cờ bất mãn của giới bình dân, chủ trương bỏ rơi thế giới để quay lại lo cho nước Mỹ trước nhất. Cuộc bầu cử năm 2020 đã lấy lại quân bình đôi chút với sự thắng cử của Joe Biden, nhưng rạn nứt sâu sắc trong lòng nước Mỹ vẫn chưa thấy được giải pháp với triển vọng hàn gắn.
Bên ngoài, Trung Quốc qua mặt Mỹ về kinh tế, bắt kịp trong nhiều lãnh vực học thuật khác. Về đối ngoại còn táo bạo đưa ra kế hoạch "Một vành đai, một con đường" để tạo lập một vùng ảnh hưởng mới không nằm dưới ô dù của Mỹ. Nga sau thời gian phục hồi và ổn định qua sự cai trị bằng bàn tay sắt của Putin, đã bắt đầu có những tham vọng ảnh hưởng thế giới, lấn sân của Mỹ, bằng những biện pháp quân sự như ở Syria, Crimea, Georgia, và mới đây nhất là Ukraina. Châu Âu hoảng hốt trước đe dọa quân sự của Nga, níu kéo Mỹ tập hợp siết chặt phòng thủ NATO và gia tăng ngân sách quốc phòng.
Trung Quốc sau khi bắt tay hứa hẹn với Putin về một liên minh "không có giới hạn", nhưng sau khi Nga xâm lăng Ukraina, Trung Quốc bày tỏ một thái độ ởm ờ không đứng hẳn về phía Nga như một đồng minh cật ruột. Trong bối cảnh đó, Putin phát biểu về một thế giới "đa cực" đang hình thành một cách không thể vãn hồi. Ta có thể thấy gì được qua phát biểu này?
Thứ nhất, Nga và Mỹ đã đi qua một lằn ranh giới đỏ để trở thành đối thủ một mất một còn. Mỹ tuyên bố bằng mọi cách Nga phải thua và phải trả giá cho việc xâm lăng Ukraina. Thụy Điển và Phần Lan nhanh chóng gia nhập NATO để chuẩn bị cho một triển vọng đối đầu dài lâu với Nga.
Vậy thì thế "đa cực" mà ta có thể hình dung được là phe Mỹ bao gồm Liên Âu, Anh, Nhật, Canada và Úc. Phe Trung Quốc bao gồm Pakistan và một số quốc gia ở Châu Phi được Trung Quốc hổ trợ tài chánh, kinh tế và bảo trợ sự ổn định chính trị cho giới cầm quyền. Còn Nga thì tập hợp những quốc gia Sô Viết cũ còn lại, và những quốc gia ở Trung Đông đang phụ thuộc vào sự bảo kê quân sự của Nga, và một vài quốc gia Nam Mỹ đang chống Mỹ.
Phe Mỹ sẽ tiếp tục nền kinh tế thị trường phát triển tốt đẹp và hùng mạnh của mình nhưng sẽ không có sự tham gia sâu đậm của Trung Quốc. Mỹ đang ve vãn Đông Nam Á trong đó có Việt Nam để thay thế vai trò sản xuất giá rẻ của Trung Quốc. Phe Mỹ sẽ cảnh giác hơn với Trung Quốc trong cuộc chạy đua về kinh tế, quân sự và khoa học kỹ thuật này.
Trung Quốc đưa ra miếng mồi lợi ích kinh tế cho các quốc gia nghèo đang khao khát phát triển. Khác với Mỹ, Trung Quốc sẽ không gây một áp lực chính trị nào cho những lãnh đạo quốc gia độc tài. Cũng sẽ có không ít những quốc gia thuộc diện này. Riêng với trường hợp đặc biệt của Việt Nam, cùng chia sẽ hình thức thể chế chính trị thoát thai từ chủ nghĩa Cộng sản, nhưng cái mẫu số chung này không còn giá trị gì nhiều, khi chủ nghĩa Cộng sản không còn là động cơ và niềm hứng khởi chính trị của cả hai nước như trong thế kỷ 20. Điều hai quốc gia này chia sẻ sâu đậm là sự cảnh giác đối với âm mưu ủng hộ những phong trào lật đổ chế độ của Mỹ.
Trong cuộc đối đầu với Mỹ, Trung Quốc rất muốn có được Việt Nam đứng về phía mình, nhưng điều này rất khó, vì những tranh chấp Biển Đông, và lòng dân Việt Nam vẫn coi Trung Quốc là kẻ thù truyền thống. Trung Quốc đe dọa ngầm bằng cách gia tăng áp lực ở Biển Đông, mua chuộc và khống chế Lào và Campuchia để bao vây Việt Nam, sẵn sàng ở thế thượng phong cho bất cứ giải pháp chính trị hay vũ lực nào.
Nga muốn Việt Nam đứng về phía mình để vươn tầm ảnh hưởng ra Thái Bình Dương và Đông Nam Á, nhưng Nga ở xa không làm gì được nhiều cho Việt Nam. Ngay cả về mặt quân sự mà Việt Nam phụ thuộc nặng nề, qua cuộc chiến ở Ukraina, vũ khí của Nga chứng tỏ thua kém của Mỹ rất xa. Về kinh tế, tổng sản lượng quốc gia của Nga chỉ bằng một nước nhỏ ở Châu Âu như Tây Ban Nha. Kinh tế sống nhờ vào tài nguyên thiên nhiên là dầu hỏa và khí đốt. Khoa học kỹ thuật lỗi thời và bị Mỹ cấm vận sẽ khó lòng phát triển trong tương lai. Ưu thế lớn nhất của Nga là kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Nhưng dùng kho vũ khí đó dọa nạt như thế nào để giành được lợi thế về chính trị thì cũng chưa rõ ràng.
Trong một thế giới "đơn cực" Mỹ làm "chú bảo vệ", mọi quốc gia lo làm giàu, trong đó có Việt Nam. Bây giờ trong thế giới "đa cực", Trung Quốc muốn làm "thiên tử", Mỹ muốn làm "đại ca", và Nga muốn làm "bố già." Điều giống nhau giữa "thiên tử", "đại ca" và "bố già" là họ đều yêu cầu lòng trung thành tuyệt đối. Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong thế giới đa cực này, đó là điều đáng suy gẫm.