Cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc phát khởi từ thời tổng thống Trump đến nay vẫn chưa ngã ngũ khi tổng thống mới của Mỹ là Joe Biden vẫn chưa nới lỏng những lệnh trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc. Vào hôm thứ hai, ngày 15 tháng 11 năm 2021, Joe Biden và lãnh tụ tối cao của Trung Quốc là Tập Cận Bình đã họp thượng đỉnh qua mạng để xử lý một quan hệ bang giao quan trọng nhất trên thế giới hiện nay.
Cuộc họp diễn ra trong hơn 3 tiếng đồng hồ và được giới phân tích chính trị cho là không có một đồng thuận ngoạn mục nào, ngoại trừ giá trị hạ nhiệt quan hệ đang căng thẳng của đôi bên. Phía Mỹ nêu ra những vấn đề quan tâm chính như diệt chủng ở Tân Cương, đàn áp ở Tây Tạng, Hồng Kông, đe doạ Đài Loan, lấn chiếm Biển Đông, đánh cắp tài sản trí tuệ qua mạng, và bất công đối với những công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc. Phía Trung Quốc thì cảnh cáo Mỹ đừng "đùa với lửa" về vấn đề Đài Loan, lên án việc Mỹ khắc nghiệt với các công ty Trung Quốc trong thời gian gần đây, và yêu cầu một quan hệ tương nhượng bình đẳng hơn. Cả hai chỉ đồng ý một cách tối thiểu là cần trao đổi nhiều hơn để hiểu rõ ý đồ của nhau tránh hiểu lầm xô đẩy đến chiến tranh một cách vô tình.
Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, mỗi lần nước Mỹ có một tổng thống mới, Trung Quốc dường như đều thiết kế một cuộc khủng hoảng quan hệ để thăm dò phản ứng của vị tổng thống mới này như thế nào. Năm 1993, sau khi tổng thống Bill Clinton vừa nhậm chức được vài tháng, xảy ra biến cố một tàu dầu, có tên là Ngân Hà (Yin He), của Trung Quốc chở vũ khí hoá học xuất cảng sang Iran. Mỹ ra lệnh phong toả các hải cảng làm cho con tàu này lênh đênh ngoài vùng biển quốc tế trong 20 ngày. Cuối cùng, phía Mỹ cho rằng mình bị giới tình báo Trung Quốc gài đánh lừa nghi binh để thăm dò phản ứng. Trong suốt nhiệm kỳ của Clinton, Trung Quốc liên tục bị cáo buộc bán nguyên liệu vũ khí hoá học và hoả tiển M11 sang Trung Đông và Pakistan.
Năm 2001, tổng thống George W. Bush vừa nhậm chức được vài tháng, Trung Quốc cho máy bay chiến đấu J-8 đụng một chiếc tàu bay thám thính EP-3 của hải quân Mỹ ngoài khơi biển Đông, cách đảo Hải Nam 110 km. Cuộc va chạm này khiến cho một phi công Trung Quốc mất tích và chiếc tuần thám của Mỹ phải hạ cánh cấp cứu xuống đảo Hải Nam. Mỹ chia buồn với sự mất mát của vị phi công, nhưng không nhận lỗi theo như đòi hỏi của Trung Quốc, vì cho rằng phía mình đã không làm gì sai. Trong suốt nhiệm kỳ của Bush, Trung Quốc liên tục từng bước lấn chiếm Biển Đông.
Năm 2008, Barrack Obama lên nắm quyền sau cuộc khủng hoảng tài chánh do bể bong bóng ngành tài chánh cho vay địa ốc nhiều rủi ro ở Mỹ trong gần 10 năm trước đó, phải nhờ vào sức mạnh tài chánh đang lên của Trung Quốc để cứu thế giới không rơi vào khủng hoảng kinh tế. Vai trò điều tiết kinh tế thế giới xưa nay là của Mỹ với đồng đô la vô địch, thế mà nay thành con nợ của Trung Quốc, giới chiến lược gia Trung Quốc cho rằng Mỹ đã đến giai đoạn thoái trào đúng như tính toán tiên liệu của họ. Trong suốt nhiệm kỳ của Obama, Trung Quốc mạnh tay phát triển quân sự, xây cất trang bị vũ khí tấn công ở Biển Đông, mặc dù Tập Cận Bình đã từng đứng phát biểu cam kết láo "không quân sự hoá Biển Đông" trong cuộc họp thượng đỉnh tại Toà Bạch Ốc năm 2015. Obama nhận thức được sự trọng yếu của vùng địa chính trị này, cho nên đã giảm can dự và Trung Đông và đưa ra chính sách "Xoay trục về Á Châu", giao cho ngoại trưởng Hillary Clinton triển khai. Tuy nhiên, những những động thái sau đó cho thấy Obama vẫn còn dè dặt khi đối phó với những khiêu khích của Trung Quốc. Thí dụ điển hình là vào năm 2016, Trung Quốc bắt sống một tiềm thuỷ đỉnh không người lái của Mỹ ở Biển Đông mà không bị một phản trả nào ngoài những phát biểu ngoại giao phản đối. Khi các tướng lãnh hải quân Mỹ thúc giục phải có phản ứng mạnh mẽ ở Biển Đông, Obama cũng miễn cưỡng cho tàu tuần tra đi gần đảo ở Trường Sa do Trung Quốc chiếm đóng, nhưng lại tắt đèn và radar để tránh leo thang căng thẳng.
Phải đợi cho đến khi Donald Trump trở thành tổng thống vào năm 2016, thì nước Mỹ mới có những phản ứng dữ dội. Trump phát động thương chiến, trừng phạt đại công ty truyền thông Huawei, cấm xuất khẩu kỹ thuật cao sang Trung Quốc, tăng thuế nặng nề lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tố cáo Trung Quốc lan truyền dịch bịnh "Vũ Hán". Nước Mỹ sực tỉnh và từ đó coi Trung Quốc như là đối thủ nguy hiểm, không còn chần chừ, do dự hay mơ hồ hy vọng vào một sự chung sống, cùng phát triển như trước nữa.
Năm 2021, Biden vừa nhậm chức vừa được 2 tháng, Mỹ và Trung Quốc đấu khẩu chê bai, tố nhau kịch liệt một cách không nhân nhượng, không chút ngần ngại quy tắc ngoại giao trong cuộc họp giữa hai ngoại trưởng Anthony Blinken và Dương Khiết Trì (Yang Jeichi) giữa hai bên ở Alaska. Sau đó, Trung Quốc cho hàng trăm chiến đấu cơ xâm nhập không phận Đài Loan, leo thang căng thẳng. Mỹ xiết lại hàng ngũ đồng minh, xích gần Việt Nam, phát huy liên minh Bộ Tứ, và ký hiệp định cung cấp kỹ thuật tàu ngầm hạt nhân cho Úc. Phía Trung Quốc gia tăng tuyên truyền đỏ, học tập tư tưởng Tập Cận Bình, phong sát giới giàu có, điện ảnh, và liên tục đưa ra tín hiệu mất kiên nhẫn với Đài Loan, gần như đang chuẩn bị tâm lý quần chúng cho một cuộc chiến tranh sắp xảy ra. Đây là một chiêu thức "dương đông kích tây" của Tập Cận Bình để loại bỏ đối thủ chính trị, củng cố vai trò "lãnh đạo tối cao" trong nước, hay thực sự chuẩn bị chiến tranh với Mỹ, hay cả hai, là một điều khó biết.
Trong bối cảnh đó, Tập Cận Bình và Joe Biden đã họp thượng đỉnh để chỉ đưa ra một thông điệp hoà hoãn tạm thời. Cả hai đều khăng khăng những quan điểm mà không thể nào đối phương có thể nhân nhượng. Có phải đây là giây phút im lặng trước giờ xung đột giữa hai cường quốc đang muốn tranh ngôi vị lãnh đạo thế giới của thế kỷ 21?