Tại sao thế giới không đặt dấu hỏi về sự xác thực của vụ thảm sát Bucha?

YouTube video


Có nguồn ý kiến cho rằng có thể vụ "Thảm sát Bucha" là một sản phẩm chiến tranh thông tin do phía Ukraina dàn dựng ra để gây thiệt hại cho Nga về mặt dư luận. Hoặc đặt dấu hỏi, nguồn tin của báo giới Phương Tây về chuyện này có đáng tin không khi họ có vẻ đã đứng về phía chống Nga?

Cả hai giả thuyết này đều hoàn toàn không thể xảy ra!

Vì rằng chiến sự ở Ukraina đang xảy ra dưới sự quan sát soi mói kỹ lưỡng của thế giới. Nhiều quốc gia có người của mình hiện diện tại chiến trường và những địa danh tin tức nhắc tới, cho nên không thể nào một sự giả tạo ở tầm mức vĩ đại như thế lại có thể dàn dựng và qua mặt thế giới được.

Một sự thực nữa là nhiều quốc gia đều có đại sứ quán tại Ukraina, nhưng không quốc gia nào lên tiếng nghi ngờ về sự xác thực của những bằng chứng được đưa ra, đồng nghĩa với việc ngầm xác nhận rằng vụ thảm sát đã xảy ra. Ngoài ra, những đội thanh tra về tội ác quốc chiến tranh đã có mặt tại Ukraina và đang thâu thập bằng chứng tiến hành lập hồ sơ.

Về mặt báo chí, truyền thông Phương Tây xây dựng trên nguyên tắc được giám sát lẫn nhau qua nền tảng báo chí tự do. Báo chí tự do có nghĩa là ai cũng được quyền ra báo, làm báo. Khi nhiều cơ quan báo chí độc lập tự do không bị điều khiển bởi một cơ quan chính trị đầu não tập trung nào, thì khó có một sự phối hợp đồng loạt để có thể làm nên một sự giả tạo tin tức như đã đặt ra. Chưa kể hiện tại trên chiến trường Ukraina không chỉ có truyền thông độc lập của Phương Tây như Reuter, AP của Mỹ, AFP của Pháp, BBC của Anh hay DW của Đức, mà còn có cả Al Jezeera của khối Ả Rập và CCTV của Trung Quốc nữa.

Cho nên, câu hỏi nên được đặt ra không phải là vụ Thảm sát Bucha có xảy ra hay không, mà là nếu có, chúng ta sẽ có thái độ như thế nào?