Tại sao phải chọn phe?
Có người hỏi tại sao phải chọn phe khi Đảng đã đưa ra chính sách rõ ràng là trung lập 3 không?
Tại vì một nguyên tắc đơn giản và bất di bắt dịch: "đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết." Tại sao chúng ta chọn đứng một mình khi thế giới chung quanh đang bắt phe? Trung Quốc đang liên minh với Liên bang Nga trong một quan hệ chiến lược được cả hai tuyên bố là "vô giới hạn." Đó chẳng phải là bắt phe sao?
Hồ Chí Minh, vào tháng 4 năm 1945 tìm đến Côn Minh, một trong những đại bản doanh của Đồng Minh trong Đệ nhị Thế Chiến, xin gặp đại tá tình báo Mỹ là ông Patty để hợp tác theo phe Đồng Minh. Đó có phải là bắt phe không? Tại sao ông Hồ không chọn trung lập đứng riêng ngoài mà lại chọn theo phe Đồng minh?
Trong chiến tranh Việt Nam, miền Bắc ngã về phía Liên Xô và Trung Quốc để có được viện trợ đánh nhau với Mỹ, đó chẳng phải là bắt phe sao?
Cho nên bắt phe, chọn phe trong thời tao loạn là chuyện bình thường. Một nhà quyết sách chính trị quân sự mà không cho mình một chọn lựa để được bắt phe thì thật là một thiệt thòi chẳng khác nào như bị trói một cánh tay.
Vậy thì câu hỏi tại sao phải chọn phe, thực ra là câu hỏi về thời điểm để phải chọn phe đã chín mùi chưa?
Bình thường thời bình, không có xung đột, thì áp lực phải chọn phe không xảy ra hoặc không lớn lắm. Nhưng khi xung đột đã xảy ra thì thái độ lừng khừng không chọn phe sẽ dễ bị các phe lớn hơn nuốt chửng. Bài học liên hệ gần đây là trong Chiến tranh Việt Nam, quốc vương Sihanouk của Campuchia tuyên bố trung lập, cho nên bị Mỹ hổ trợ thủ tướng Lon Nol lật đổ và lên thay thế trong một cuộc đảo chánh vào năm 1970.
Hiện nay thế giới đang đứng trên bờ vực phân cực giữa hai phe liên minh Nga-Trung đối chọi với Mỹ và đồng minh. Việt Nam từ trước tới giờ ngoài mặt thì tuyên bố trung lập, nhưng thực chất đằng sau hậu trường thì có những quan hệ ngầm với cả Nga lẫn Mỹ, nhằm mục đích âm thầm đối phó với Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, trong tất cả những 194 quốc gia trên thế giới, Trung Quốc là kẻ thù trước mắt và hung hãn nhất. Trung Quốc đang chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và lãnh hải Biển Đông của Việt Nam. Nếu không gọi đó là kẻ thù thì sẽ không biết phải gọi là gì.
Một khi Nga phụ thuộc vào Trung Quốc trong một liên minh chiến lược, Nga sẽ không có lý do để giúp Việt Nam chống lại Trung Quốc. Sau khi Nga tấn công Ukraina, tình thế cân bằng chiến lược địa chính trị của Việt Nam hiện tại có vẻ chênh vênh, khi phụ thuộc vào Nga quá nặng nề về khí tài.
Ngoài mặt, Việt Nam tỏ vẻ vẫn chưa có thay đổi về đường lối quan hệ ngoại giao để che mắt Trung Quốc và mua thời gian, nhưng chắc chắn đằng sau hậu trường phải có những liên lạc với Mỹ nhằm tìm kiếm những nguồn trợ lực răn đe mới.
Nhận định này có vẻ hợp lý, khi mặc dù Việt Nam bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc có vẻ ủng hộ Nga, nhưng Mỹ và Đồng minh gần như phớt lờ không phản đối hay than phiền, dường như đã có những đồng thuận ngầm.
Bắt phe hay liên minh là một trong những công cụ chính trị quân sự hiệu quả nhất, cho nên không phải bàn là có nên liên minh hay không. Điều cần bàn ở đây là thời điểm nào thì liên minh, và liên minh với ai, và liên minh như thế nào để mang lại lợi ích nhất cho quốc gia. Nếu là một cường quốc lớn, như Mỹ trong thời Đệ nhị Thế chiến, tự mình đã là một phe thì không cần phải theo ai, nhưng Việt Nam chưa phải là một quốc gia ở tầm cỡ đó trên bàn cờ chính trị thế giới.