Trong cuộc xung đột Nga-Ukraina, phe thân Mỹ nói rằng Nga sai vì dùng vũ lực xâm lăng một nước có chủ quyền. Phe thân Nga cãi lại, nói rằng Mỹ sai vì NATO phát triển ảnh hưởng tiếp nạp các nước Đông Âu, tiến sát vào biên giới của Nga. Thử hỏi nếu bị một tình huống đe dọa tương tự như vụ Cuba 1962, Mỹ có chịu ngồi yên không?
Nếu tiếp tục cãi, thì bên nào cũng có thêm những luận điểm thuyết phục để bảo lưu ý kiến của mình. Phe thân Mỹ nói, NATO là hiệp ước để phòng thủ không có dụng ý tấn công. Phe thân Nga phản trả sẽ nói rằng một liên minh quân sự, thì dù có mang danh nghĩa phòng thủ, khi cần thiết trở thành tấn công cũng chỉ là một tích tắc quyết định trong đầu của những người lãnh đạo thôi, làm sao ai tin được. Ngoài ra, phải giải thích làm sao về việc NATO tham gia với Mỹ trong các cuộc xâm lăng Iraq và Afghanistan?
Phe thân Mỹ có thể chống đỡ bằng cách nói rằng do Taliban ở Afghanistan tấn công 911 vào New York, và do Saddam Hussein xâm lăng Kuwait. Và phản công lại, bằng cách đặt vấn đề, nếu không tôn trọng luật lệ ranh giới quốc gia của Liên Hiệp Quốc, thì thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ nước mạnh chiếm đất đai của nước yếu như thời thuộc địa, chúng ta có muốn vậy không?
Rồi phe thân Nga vẫn có thể chống chế, nhưng ai là người quyết định khi nào được quyền chinh phạt một nước khác như Iraq, Afghanistan hay Ukraina và khi nào thì không? Nước Mỹ, nước Nga, Trung Quốc hay Liên Hiệp Quốc? Và nếu là Liên Hiệp Quốc thì cũng chẳng có ý nghĩa là bao nhiêu, bởi vì cũng vẫn bị thao túng bởi các nước lớn.
Rốt cục, vấn đề vẫn quay về với quyền chủ động và quyết định của các nước lớn. Vậy thì, có gì khác đâu? Cá lớn vẫn nuốt cá bé. Quy luật vẫn không thay đổi so với thời kỳ thuộc địa.
Đúng vậy, quy luật không thay đổi. Cá lớn vẫn nuốt cá bé. Nhưng cái thay đổi là sự giới hạn và chừng mực của nó. Ngày xưa, nhà Tần muốn mang quân chinh phạt thâu tóm nước Nam Việt của Triệu Đà là ông ra lệnh mở mang bờ cõi, bình định thiên hạ, chứ không phải bận tâm giải thích "lẽ phải" nó nằm ở chỗ nào.
Đến thời thuộc địa với mục đích vơ vét bóc lột thì cũng chẳng qua mắt được ai, nhưng cũng cố gắng che đậy dưới một chút danh nghĩa "khai hóa" mang ánh sáng văn minh đến cho các dân tộc mọi rợ.
Đến thời nay thì khó hơn, phải đưa ra những chiêu bài thuyết phục hơn, như "chống khủng bố" của Mỹ với Afghanistan, hay "yếu tố lịch sử" của Trung Quốc với Biển Đông, hay "diệt phát xít" của Nga với Ukraina.
Câu hỏi được đặt ra là nếu Cá lớn vẫn nuốt cá bé, thì tại sao ngày nay, người ta lại quá bận tâm thuyết phục dư luận thế giới về hành vi và quyết định của mình đến như vậy?
Câu trả lời là vì, thế giới ngày nay dân chủ hơn xưa. Mỹ và các nước Phương Tây hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của dân chúng cử tri. Nếu dư luận không bằng lòng, chính sách không thể nào thực hiện được. Điển hình là trong thời chiến tranh Việt Nam, dư luận ở Mỹ phản đối dẫn đến việc Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam. Nhưng dư luận thì bị ảnh hưởng bởi truyền thông.
Ở Mỹ và Phương Tây thì có truyền thông tư nhân độc lập. Nga thì có truyền thông bị kiểm duyệt. Trung Quốc thì chỉ có truyền thông nhà nước. Về nguyên tắc, truyền thông Tây phương đáng tin hơn bởi vì bị sự giám sát lẫn nhau của các cơ quan ngôn luận độc lập. Một tờ báo dựng chuyện nói sai sẽ bị các tờ báo khác truy hô phanh phui.
Trong khi đó, mô hình truyền thông của Nga và Trung Quốc thì được coi là tuyên truyền cho chính quyền. Mô hình đó có thể có hiệu quả trong một quốc gia khép kín nhưng không có ảnh hưởng ra thế giới. Điển hình là ở Nga và Trung Quốc, thiếu vắng những cơ quan truyền thông có uy tín đối với thế giới.
Cho nên, những chính sách đối ngoại của Mỹ và Phương Tây mang tính ôn hòa, ít cực đoan hơn bởi vì phải mất thì giờ thương lượng gọt dũa và tìm đến điểm đồng thuận không những giữa những phe phái chính trị đối lập mà còn ở trong dân chúng nữa. Trong vụ xung đột Nga-Ukraina, thế giới phương Tây có sự đồng thuận rất cao có nghĩa là đa số từ người dân cho đến chính trị gia của nhiều quốc gia khác nhau đồng ý rằng Nga đã sai trong việc tấn công Ukraina. Việc này không phải do sự phù phép đồng lõa của cái gọi là "truyền thông Phương Tây" do phe thân Nga dựng lên. Như đã nói, truyền thông phương Tây mang tính đáng tin cậy cao. Ví dụ, khi đăng tải về vụ thảm sát Bucha ở Ukraina, không ai đặt nghi vấn sự kiện này có mang tính dàn dựng giả tạo hay không, bởi vì bất cứ ai cũng có thể gởi phóng viên đến để kiểm chứng.
Vậy thì trở lại với quy luật Cá lớn nuốt cá bé, một nước nhỏ như Việt Nam phải nhìn vấn đề này như thế nào? Theo ý kiến của cá nhân tôi, thì quyền lợi của quốc gia là trên hết. Không nên để ý đến "lẻ phải" của bên này hoặc bên kia. Bởi vì lẻ phải rất tương đối và vô chừng như đã trình bày ở trên. Chúng ta phải chọn phe. Bắt buộc là như vậy.
Câu hỏi đơn giản trở thành, chúng ta phải chọn phe nào để có lợi nhất cho quyền lợi của đất nước? Câu trả lời của một cá nhân như tôi không quan trọng. Mà quan trọng là câu trả lời của số đông người Việt Nam. Và để số đông có thể có câu trả lời, vấn đề cần được nhiều người tham gia góp ý kiến mổ xẻ phân tích đánh giá lợi hại thiệt hơn.