Nền dân chủ Mỹ mong manh

Vào ngày ngày 28 tháng 6 vừa qua, trong cuộc điều trần Quốc hội Mỹ về sự cố "6 Tháng Giêng", xuất hiện một nhân chứng quan trọng, cô Cassidy Hutchinson, đã làm cả nước Mỹ bị rúng động và bàng hoàng. Họ không ngờ rằng cựu tổng thống Donald Trump đã nhúng tay sâu đậm vào cuộc tấn công tòa nhà quốc hội để ngăn chặn việc tuyên bố kết quả đếm phiếu của cuộc bầu cử năm 2020 mà ông đã thua.

Đây là một nhân chứng "smoking gun", dịch ra tiếng Việt là "súng còn bay mùi khói". Theo lối nói của chính trường Mỹ, có nghĩa là có những bằng chứng không thể chối cãi. Những tình tiết gay cấn như Trump đã biết nhóm biểu tình có mang vũ khí, nhưng ông không những không ngăn chặn và còn hối thúc đẩy họ ra trận địa ở tòa nhà Quốc hội. Ông còn giành giật tay lái của cận vệ khi nhóm cận vệ từ chối chở ông ra Quốc hội để đồng hành với nhóm biểu tình. Cuộc điều trần của cô Cassidy, 26 tuổi, thư ký cho Đổng lý văn phòng Tổng thống ông Mark Meadows, được trình chiếu trực tiếp rộng rãi cho cả nước, và sau đó được nhiều kênh đài trích dẫn bình luận. Ở đây, tôi sẽ không lập lại những điều đó, nhưng muốn đưa ra một số nhận định từ sự kiện này.

Thứ nhất, nền chính trị dân chủ thật mong manh! Mỹ là nước dân chủ đầu tiên 1776, Pháp là nước thứ hai 1789, sau đó mới tới một loạt cách mạng dân chủ khác ở Châu Âu. Lần đầu tiên, dân chủ Mỹ bị khủng hoảng chính trị là năm 1865, khi các tiểu bang miền Nam không đồng ý với chính sách giải phóng nô lệ người da đen của các tiểu bang miền Bắc, cho nên đã ly khai và làm xảy ra cuộc nội chiến chết đến 620 ngàn người.

Khủng hoảng nghiêm trọng lần thứ hai có thể nói là cuộc bầu cử năm 2020 giữa Joe Biden và Donald Trump. Ông Trump thua nhưng đã huy động đảng Cộng Hòa để đảo ngược tình thế bằng vũ lực và bằng sự dối trá. Điều bàng hoàng nhất là với sức mạnh trong vai trò tổng thống trong thời điểm đó, ông xém thực hiện một cách thành công việc đánh cướp kết quả của một cuộc bầu cử tổng thống. Việc này thường xảy ra ở các nền dân chủ sơ khai, nhưng nếu nó cũng có thể xảy ra ở nước Mỹ, nước có truyền thống dân chủ đầu tiên, lâu đời và vững mạnh nhất, thì có gì bảo đảm là thể chế dân chủ sẽ tồn tại lâu dài mãi mãi trong tương lai?

Đã có nhiều quốc gia theo thể chế dân chủ nhưng lạc tay lái trở thành độc tài. Thí dụ điển hình nhất là sự lên ngôi quyền lực của Hitler và Putin. Một khi đã nắm quyền lực trong tay, làm sao để họ trao quyền lực một cách ôn hòa cho một ê-kíp đối thủ chính trị sau một cuộc bầu cử? Nếu người ta nói rằng Chủ nghĩa Cộng sản đã quá lý tưởng khi không nhìn ra vai trò của lòng tham quyền lực của con người trong biện chứng, thì có phải Chủ nghĩa Dân chủ cũng mắc phải sai lầm đó? Việc nước Mỹ làm được điều diệu kỳ trong việc chuyển giao quyền lực một cách êm thắm từ ngày lập quốc cho đến cuộc bầu cử 2020, đã làm cho người ta tin vào phép lạ, rằng bằng một cách nào đó, chính trị dân chủ sẽ vẫn có thể vượt qua được hố thẳm hiểm nguy đó. Nhưng cuộc đảo chánh hụt của Trump vào năm 2020 - 2021 đã làm cho nhiều người ở Mỹ và trên thế giới ngờ vực rằng cho dầu nước Mỹ hùng mạnh về quân sự và kinh tế đến mức nào đi nữa, một sự sụp đổ chính trị bất ngờ cũng có thể xảy ra cho nước Mỹ bất cứ lúc nào.

Về mặt lý thuyết thì cái cách để các thể chế dân chủ chống đỡ nguy cơ độc tài là giám sát và phân quyền, bằng cách tạo ra những định chế quyền lực hành pháp, lập pháp, tư pháp và báo chí để giám sát và kềm chế lẫn nhau. Ngoài ra, giáo dục công dân dựa trên khoa học, sự thật, tự do tư tưởng, bình đẳng và tôn trọng pháp luật cũng cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ dân chủ. Những nước dân chủ hùng mạnh đều có nền báo chí tự do rộng rãi và giáo dục chất lượng.

Và chính cái nền giáo dục con người có chất lượng đó đã cứu nước Mỹ trong đường tơ kẻ tóc với sự xuất hiện của cô Cassidy Hutchinson. Mặc dù, cô chỉ là một thư ký 26 tuổi, mới vào nghề, nhưng nhận thức được trách nhiệm công dân không ngần ngại những đe dọa hiểm nguy cá nhân, để nói lên sự thật và tố cáo tội ác. Trong khi đó, có không ít chính trị gia phái nam, già dặn trường đời lại lẫn tránh trách nhiệm, hoặc thậm chí đồng lõa với tộc ác. Chính sự giáo dục về sự tự do và bình đẳng đã cho phép cô không sợ hãi mà sẵn sàng tố cáo cấp trên, cho dù đó là tổng thống của mình.

Nhận định sau cùng về sự kiện điều trần của cô Cassidy Hutchinson, là hình như những người phụ nữ đã cứu nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng này. Bà Nancy Peloci, chủ tịch Quốc hội đã không hề nao núng trong cuộc đối đầu với ông Trump và đã đưa ra hai lần đàn hặc luận tội tổng thống, và bà chính là người quyết định hình thành Ủy ban Điều tra Sự cố 6 Tháng Giêng đưa đến những phanh phui bí mật mà chúng ta được biết của ngày hôm nay. Thứ hai, là nữ dân biểu, Liz Cheney, luật sư công tố, con gái của cựu phó tổng thống và bộ trưởng quốc phòng Dick Cheney. Bà đã không a tòng với phe của tổng thống Trump, mặc dù cùng trong đảng Cộng hòa. Không những thế, bà là người đã đưa ra những lập luận buộc tội ông Trump đanh thép nhất, và đồng thời kêu gọi người dân Mỹ đứng lên bảo vệ nền dân chủ Mỹ một cách xúc động và hùng hồn. Nhiều cử tri theo đảng Dân chủ đã bày tỏ thiện cảm sẵn sàng bỏ phiếu cho bà, và nhiều người tiên đoán rằng bà sẽ ra tranh cử tổng thống trong tương lai. Và tất nhiên, một người phụ nữ nổi bật nhất là cô Cassidy Hutchinson. Cô sẽ không hưởng một lợi ích cụ thể nào hết trong việc nói lên sự thật để cứu nguy nền dân chủ Mỹ này, mà ngược lại, cô sẽ nhận lãnh hết những sự thù oán của phe ủng hộ Trump, kể cả đe dọa tính mạng. Chỉ trong tích tắc, cô đã đi vào lịch sử Mỹ như một trong những cứu tinh quốc gia vĩ đại nhất.

Phải chăng, có một liên hệ gì đó giữa phái nữ và chính trị  qua phát hiện này. Tất nhiên, ai cũng biết tâm sinh lý phái nữ và phái nam rất khác biệt. Có phải, phái nữ ít tham vọng quyền lực hơn, lo lắng cho sự ổn định của nền tảng gia đình xã hội hơn, và sẵn sàng hy sinh hơn? Cũng có thể là như vậy. Có một điều cũng cần nên nhớ là hầu như các quốc gia dân chủ hùng mạnh, nữ quyền và vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng bình đẳng hơn.

Để kết luận, nền dân chủ của nước Mỹ vẫn còn đang trãi qua những giờ phút sinh tử mong manh. Những hậu chấn chính trị trong những ngày sắp tới sẽ có những giao động rung chuyển lớn lao: có truy tố cựu tổng thống Trump hay không? Ông Trump có sẽ ra tranh cử tổng thống một lần nữa vào năm 2024 hay không? Và nước Mỹ sẽ đi về đâu nếu ông đắc cử tổng thống?

Người Mỹ vẫn hay nói, nền chính trị dân chủ của họ chỉ là một cuộc thử nghiệm với những bất trắc chưa biết trước. Đây là một cuộc thử nghiệm cạn láng, bởi vì nền dân chủ là tài sản duy nhất mà họ có.