'Nam Quan' là địa danh hay tên người? Khi tác giả xin lỗi độc giả
Cả nước Việt Nam, từ đời này qua đời khác, ai cũng biết "Nam Quan" là tên cửa ải biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cái địa danh đó gắn liền với định mệnh của một dân tộc nhỏ bé phải luôn chiến đấu để tồn tại bên cạnh một quốc gia hiếu chiến luôn rình rập để chinh phục mở mang bờ cõi. Ải Nam Quan đã bao lần chứng kiến cảnh tàn phá binh đao từ vó ngựa của quân Tống, quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh, và ngay cả xe tăng của quân Trung Cộng thời hiện đại.
Năm 1406, nhà Minh mượn cớ Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần mang quân sang chiếm Việt Nam, tàn phá tận diệt văn hoá Việt Nam, thu vét hết tất cả sách vở quý báu kể cả những quốc bảo như "Binh thư Yếu lược" của Trần Hưng Đạo, bắt bớ nhân tài, những người như Hồ Nguyên Trừng, chuyên gia đúc súng thần công, hay Nguyễn An, một thiên tài kiến trúc. Những người bị mang về Trung Quốc, trong đó có danh sĩ triều đình Nguyễn Phi Khanh. Chia tay ở ải Nam Quan, trong tình cảnh bi đát ảm đạm, ông dặn con trai Nguyễn Trãi đừng nên khóc lóc uỷ mỵ mà hãy quay về tìm cách cứu dân cứu nước bằng những câu thơ:
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng
hay
Đừng lầm lẫn theo phường nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Sau này Nguyễn Trãi làm quân sư cho Lê Lợi, đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi và viết bản tuyên ngôn độc lập "Bình Ngô Đại Cáo" cảm động và hùng hồn. Nhà thơ Hoàng Cầm của thời kháng chiến chống Pháp viết kịch thơ "Hận Nam Quan" để ghi lại cuộc chia tay lịch sử này giữa Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi.
Ở Việt Nam, Nam Quan là địa danh cho nỗi hận khắc khi trong lòng mỗi con dân nhắc nhớ nghĩa vụ bảo vệ bờ cõi và tinh thần phải luôn cảnh giác trước kẻ thù phương Bắc. Cho nên, vì tôn trọng yếu tố lịch sử này, chẳng thấy ai lấy Nam Quan làm tên.
Cho đến khi xuất hiện hoạ sĩ Rừng, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh. Nội cái danh hiệu Rừng đã cho thấy Nguyễn Tuấn Khanh là một người có những tư duy táo bạo độc đáo riêng. Ông sinh đứa con trai đầu lòng lấy tên của một ngôi chùa, Ưu Đàm, đặt cho. Đến đứa thứ hai, chẳng biết ông nghĩ gì, thế là "why not?", tại sao không. Lấy cái ải lớn ở phía Bắc đặt luôn cho con. Nam Quan từ đây trở đi, cũng là tên người.
Chẳng trách sử gia Đông Duy, người đắm chìm trong suốt chiều dài không gian và thời gian của lịch sử Việt Nam, không tài nào nghĩ ra rằng trên cõi đời này lại có người cũng lấy tên là Nam Quan.
Thơ Nguyễn Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi:
Chốn ải Bắc mưa sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thổi đìu hiu.
Bốn bề hổ thét chim kêu,
Đoái xem phong cảnh như khêu tấc lòng.
Giọt máu nồng ngấm quanh hồn nước
Xét thân già lẫn bước dặm khơi,
Thương con tầm tã châu rơi
Con ơi nghe lấy những lời cha khuyên.
Giống Hồng Lạc Hoàng Thiên đã định
Bốn ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng liệt nữ xưa nay thiếu gì
Kìa Trưng Nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ chống với cuồng phong
Giết giặc nước trả thù chồng,
Ngàn năm tiếng nữ anh hùng còn ghi;
Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi huyết chiến bao phen,
Lòng Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gương treo chính khí, đất rền dư uy.
Xem lịch sử gương kia còn đó
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai.
Than vận nước gặp cơn biến đổi
Để quân Minh thừa hội xâm lăng,
Bốn phương khói lửa tưng bừng
Biết bao thảm nỗi xương rừng máu sông.
Con nay cũng là người trong nước
Phải bắt cân gia, quốc đôi đường,
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng;
Thời thế cũng anh hùng là thế
Bước cạnh tranh là để nhường ai
Phải nên thương lấy giống nòi
Ra tay cứu vớt cuộc đời trầm luân.
Đừng lầm lẫn theo phường nô lệ,
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Cam tâm làm kiếp tôi đòi
Nhọc nhằn bao quản muôn đời hay chi.
Sống như thế, sống đê, sống mạt,
Sống làm chi cho chật non sông
Thề rằng chết quách cho xong,
Cái thân cầu trợ ai mong có mình.
Con nay cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải biết nông sâu,
Chớ nên úp mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu sao đành.
Lời cha dạy đinh ninh nhường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Nếu con có phải là người
Thì con ghi nhớ những lời cha khuyên …
Nghĩa vụ đó con hay chăng tá
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất khách gửi xương
Trông về cố quốc khỏi thương lòng già,
Con ơi! Hai chữ Nước Nhà!