"Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên lo việc đao binh."
Sinh ra ở Hà Nam, miền Bắc Việt Nam, ông Bùi Diễm qua đời vào ngày 24 tháng 10 năm 2021 tại nhà riêng ở Rockville, bang Maryland Hoa Kỳ, hưởng thọ 98 tuổi. Trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ đó không những ông đã chứng kiến rất nhiều những sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam, mà bản thân cũng tham gia một cách sâu đậm qua từng giai đoạn.
Ông cố của ông, Bùi Văn Quế (1837-1913) làm quan triều Nguyễn đến chức Tham Trị Bộ Hình rồi từ quan. Ông nội, Bùi Thức (1859-1915) đỗ Tiến sĩ Nho học nhưng không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Thân sinh, cụ Bùi Kỷ (1888-1960), một nhà nho nổi tiếng, người dịch bài hịch "Bình Ngô Đại Cáo" cảm động và hùng hồn của Nguyễn Trãi, với những câu của minh triết Việt như:
"Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân mà thay cường bạo"
Có lẽ được hun đúc trong một môi trường gia đình nuôi dưỡng tâm hồn yêu nước, lại lớn lên trong thời quốc gia bị nô lệ của thực dân Pháp, cho nên ông đã không ngần ngại đi vào chính trị từ lúc còn rất sớm. Ông tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều tên tuổi lịch sử của Việt Nam. Thầy dạy sử của ông là Võ Nguyên Giáp. Ông khắc hoạ một cách rất sinh động tính cách của tướng Giáp khi đứng lớp ở trường trung học Thăng Long giảng giải về các chi tiết chiến thuật chiến lược của cách mạng Pháp và Napoleon. Sau tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945, ông gặp Hồ Chí Minh 2 lần ở Đông Dương Học Xá. Ông tham gia đảng Đại Việt và sinh hoạt một cách mật thiết với đảng trưởng Trương Tử Anh cho đến thời điểm ông này bị mất tích ở Hà nội năm 1946. Ông là cháu của Trần Trọng Kim và là bạn của Phan Huy Quát, hai người mà ông sát cánh trong các nổ lực chính trị. Ông gặp gỡ và phê bình thẳng thắn với Bảo Đại về quyết định ở lại Pháp của nhà vua. Ông từ chối tham gia vào chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông là người viết Tuyên ngôn Caravelle và bàn bạc với đại tá Lê Văn Kim trước cuộc đảo chính 11 tháng 11 năm 1963. Sau đó, ông còn tích cực thành lập Hội Đồng Nhân Sĩ như một tập họp các thành phần quốc gia yêu nước. Ông thay mặt chính quyền mới đưa Nguyễn Khánh ra sân bay để đi lưu vong nước ngoài. Ông là cố vấn được Nguyễn Cao Kỳ tin tưởng. Và ông là đại sứ tại Mỹ của Nguyễn Văn Thiệu cho đến ngày hấp hối cuối cùng của miền Nam. Ông thay mặt chính quyền Việt Nam liên lạc giao dịch với các đối tác Pháp và Mỹ trong nhiều sự kiện lịch sử.
Không những thế, ông còn là nhà báo bình luận thời cuộc, lập ra tờ báo Anh ngữ Saigon Post trong vai trò chủ nhiệm kiêm chủ bút. Trong một giai đoạn tự túc sinh nhai không sinh hoạt chính trị, ông còn vay tiền thực hiện cuốn phim "Chúng tôi muốn sống" nổi tiếng được nhiều người biết.
Ông là một trong những nhân vật cuối cùng của phe quốc gia và Việt Nam Cộng Hoà còn sống và hoạt động một cách không mệt mõi cho tới ngày ông vừa ra đi. Tất cả những tâm tư và bài học trong cuộc đời chính trị của ông đã được để lại trong cuốn hồi ký "Trong Gọng Kềm Lịch Sử (In the Jaws of History)" được viết bằng Anh ngữ và dịch qua Việt ngữ. Tuy kể lại chuổi thất bại cay đắng, nhưng cuốn hồi ký này cũng nói lên được cái lý tưởng quốc gia mà tại sao những người như ông sẵn sàng hy sinh để theo đuổi.
Mặc dù ông cụ thân sinh là một nhân vật nổi tiếng, nhưng có lẽ vì cụ Bùi Kỷ theo phe miền Bắc, cho nên ít khi được ông nhắc đến sau cuộc chia tay xuôi Nam ở Phủ Lý vào năm 1949. Và đây là một bi kịch của cá nhân ông, nhưng cũng là bi kịch của rất nhiều gia đình khác trong một giai đoạn lịch sử đầy oan nghiệt, đau thương và chia cắt của Việt Nam.
Bùi Diễm, một tấm lòng yêu nước vừa tắt
Mặc dù ông cụ thân sinh Bùi Kỷ là một nhân vật nổi tiếng, nhưng ít khi được ông nhắc đến sau cuộc chia tay xuôi Nam ở Phủ Lý vào năm 1949. Và đây là một bi kịch của cá nhân ông, nhưng cũng là bi kịch của rất nhiều gia đình khác trong một giai đoạn lịch sử đầy oan nghiệt của Việt Nam.