Mật khu Lê Hồng Phong
Mật khu Lê Hồng Phong là một địa danh quân sự ở Bình Thuận, thành lập từ thời Việt Minh kháng Pháp năm 1951. Ở đó có nhiều thú dữ, rừng cây chằn chịt, mùa khô thiếu nước. Mật khu Lê Hồng Phong cũng là tên một bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn.
Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
Còn ngại hành quân động Thái An
Cát lún, bãi mìn, rừng lưới nhện
Mùa khô thiếu nước lính hoang mang
Vừa vào bài thơ là đã thấy căng rồi, ngay cả tướng giỏi trăm trận trăm thắng của Miền Nam cũng phải ái ngại. Một thú nhận thật tình mở đầu cho một thú nhận thật tình khác.
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc-cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa Thu
Cắc-cù là âm thanh đặc biệt phát ra từ súng cối của quân đội Miền Bắc. Đêm nằm nghe tiếng súng của địch quân mà hồn dâng lên một nỗi buồn. Một nỗi buồn chẳng biết nói với ai. Người đọc không hiểu tác giả định nói về nỗi buồn gì đây? Nỗi buồn về thân phận chính mình trong chiến tranh trước sự sống chết chăng? Chẳng phải vậy, vì những câu sau đó, tác giả tỏ ra bình thản, coi cái chết nhẹ tựa mây bay.
Mai ta đụng trận, ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Và nếu cái chết có xảy ra, tác giả cũng không nghĩ đến một cái chết anh dũng oai hùng đầy huy chương nào ngoài trận tuyến, mà là một cái chết tầm thường vô danh bên bàn nhậu. Bởi vì, với tác giả, thắng nhau ở chiến trường chẳng phải là một vinh quang đáng ca tụng. Việc ông uống rượu để quên nỗi buồn còn nặng hơn là việc vào sanh ra tử ở một nơi ác liệt nhất. Và nếu chết đi, ông muốn linh hồn được trở lại nơi chiến địa.
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn ta chắc sẽ thành mây bay
Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẫn trong rừng động Thái An
Vẫn vơ ở lại động Thái An để làm gì? Để ở cùng đồng đội đã chết chăng? Không phải vậy, bởi vì toàn bài thơ, tác giả hầu như không hề nhắc đến đồng đội. Và khi nhắc đến, cũng chỉ dùng một chữ "lính" đầy xa cách. Hai câu cuối, tác giả đã để lộ ra nỗi buồn giấu kín.
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che mưa dùm những đám xương tàn
Miền Bắc "sương mù giăng bốn quận", bốn quận nào? Hà Bắc, Hà Tây, Hà Đông, Hà Nam chăng? Không rõ, nhưng hai chữ "Miền Bắc" ở đây phải hiểu là Miền Bắc Việt Nam, chứ không thể là miền Bắc của địa phương Thái An hay Bình Thuận, bởi vì trong hoàn cảnh chiến tranh Việt Nam, hai chữ Miền Bắc đã trở thành một danh từ riêng, mà nói ra ai cũng hiểu liền.
Khi đã xác định được ý nghĩa của hai từ "Miền Bắc", thì "đám xương tàn" phải được hiểu là của bộ đội Miền Bắc. Của địch quân. Và nếu nhìn lại toàn bài thơ, thì tác giả đã để lại những dấu vết rãi rác để người đọc có thể nhận diện ra ngụ ý này, như tựa đề "mật khu Lê Hồng Phong", âm thanh "cắc-cù", và địa danh "Miền Bắc."
Thành ra, nỗi buồn của tác giả là nỗi buồn xót xa cho thân phận của những người lính ở bên kia trận tuyến. Lính miền Nam, nếu có chết, xác cũng được dời về chôn ở Nghĩa trang Quân đội Sài gòn. Chỉ có lính Miền Bắc là nằm lại chiến trường. "Sương mù" che dùm chút "xương tàn", ôi những hình tượng và âm thanh lạnh lẽo làm nên một câu thơ "bát ngát" xót xa.
Khi đã chết, thì sẽ không còn ranh giới thù bạn ta địch của trần gian nữa. Cho nên đó là lý do tác giả muốn linh hồn mình trở lại chiến trường để cùng hội ngộ với những người đã từng bắn nhau, từng đối đầu nhau, những người không biết nhau nhưng có cùng chung một thân phận. Thân phận người lính cùng là người Việt mà phải bắn nhau với anh em.
Nguyễn Bắc Sơn, con người ông có cái nhìn bao la và nhân hậu quá! "Mật khu Lê Hồng Phong" phải là một trong những bài thơ hay nhất của Chiến tranh Việt Nam.
Một bài thơ hay, mà nếu hát được, ngân nga được để cho âm chữ vang vọng lên thì càng hay.
Kênh nhạc của Nhạn Sơn:
https://www.youtube.com/channel/UCHoyA4b006CbmdvxCgOdRkQ