Tôi cũng vẽ tranh, nhưng trời sanh chân tay vụng về nên nhìn những người có thể vẽ giống, vẽ thoải mái như thở hút khí trời, thì trong lòng không khỏi kính phục và tự nhủ, đây là “một thiên tài.”
Thiên tài có nghĩa là trời sinh đã có cái tài đó. Mà đã là trời sanh, thì không cách nào con người bì kịp, dù cố gắng.
Tôi nói thế, dù hoạ sỹ Mạc Chánh Hoà nhất quyết không đồng ý về quan điểm “thiên tài” này, nhiều lần ông cam kết là bàn tay vụng về của tôi, nếu chịu “làm việc” với ông, trong một tháng là tôi sẽ có thể vẽ hệt như ông.
Nói tiếu lâm là vẽ một cô gái đẹp, thì người ta sẽ muốn đưa tay “sờ thử một cái” hoặc như tranh Tố nữ, treo trong phòng ngủ, thì đêm đêm cô nàng sẽ mò xuống, nằm bên cạnh.
Tôi cũng thử “làm việc” với ông vài lần, hi vọng nếu không 100% thiên tài, thì cũng đỡ được vụng về, nhưng dành chịu thua, không cách nào đạt được sự chính xác tuyệt đối như cách vẽ của Mạc Chánh Hoà, như một lần ông nói:
tôi là người viết văn làm thơ, nên tôi không vẽ cái tôi thấy, mà chỉ vẽ cái tôi muốn vẽ.
Có thể cũng đúng, vì cái hình thể mà tôi thấy trước mắt, lập tức đã bị gạn lọc, thăng hoa trong tâm trí nên bị mất đi mọi chi tiết chỉ còn lại những nét biểu tượng trong lúc những hoạ sỹ “realistic” thì trời sinh đã có một trí nhớ chụp ảnh “photographic memory” tức là nhìn bất cứ điều gì thì lập tức in hình mọi chi tiết trong bộ nhớ như một tấm hình chụp.
Đây là loại trí nhớ rất cần thiết cho những người trong ngành an ninh tình báo và nếu sinh hoạt trong ngành này chắc chắn Mạc Chánh Hòa sẽ là một điệp viên thượng thặng vì không cần máy hình, chỉ cần nhìn sơ qua là có thể vẽ lại y chang.
Cũng có nhiều hoạ sỹ trường phái hiện thực “realistic” như Phi Lộc hay Phạm Đình Nghị có thể vẽ chân dung hoặc phong cảnh rất tỷ mỹ và chính xác nhưng không có cái “trí nhớ chụp hình” của Mặc Chánh Hoà tức là vẽ lại chính xác từ bộ nhớ.
Ở thành phố Long Beach hàng năm vẫn có những ngày hội vẽ trên hè phố trong đó các hoạ sỹ dùng phấn mầu vẽ ngay trên vỉa hè.
Lần nào tham dự Mạc Chánh Hoà cũng lãnh giải như lần ở Pasadina, ông vẽ chân dung tài tử Charles Bronson.
Một trăm hai mươi lăm hoạ sỹ thuộc nhiều quốc tịch tham dự cuộc tranh tài vẽ tranh hè phố và Mạc Chánh Hoà là một trong 4 hoạ sỹ trúng giải “Director”. Kể ra cũng là một vụ mang chuông đi đấm xứ người
Không những vẽ chính xác, vẽ mau mà Mạc Chánh Hoà còn cho biết là ông có thể vẽ bằng bất cứ thứ dụng cụ hay phương tiện nào, vẽ bằng ngón tay, bằng một cành cây hay vẽ bằng cọ vì mọi phương tiện hay chất liệu đều có cái dụng của nó.
Trong lần phỏng vấn để qua Mỹ trong diện trao đổi văn hóa, anh chàng nhân viên toà đại sứ hỏi xỏ là ông có vẽ được không.
Ngay tức khắc Mạc Chánh Hoà rút bút và cắm cúi vẽ trong vài phút môt bức ký hoạ chân dung cực giống đối tượng nhờ đó đã được giấy hồng ngay tức khắc.
Sang Mỹ ông gặp nàng thơ Hoài Mỹ và đột nhiên “bị mất trí nhớ ”quên luôn đường về Việt Nam vì thế tôi cũng trêu ông “lâu lâu bị mất trí nhớ một lần cũng sướng thật ..."
Mạc Chánh Hoà là một cựu quân nhân Biệt Động Quân, bản chất ương ngạnh và yêu tự do nên từng bị liệt vào hạng ba gai bất phục tòng vậy mà không hiểu sao từ hồi sang Mỹ ông hiền như em bé ngoan. Có lẽ vì ngựa đã chồn chân, cọp đã sút móng hay cái lồng son của nhà thơ làm dịu lại cơn cuồng nộ thời chinh chiến của anh lính chiến cọp ba đầu rằn.
Tôi ca ngợi cái tài khéo nơi bàn tay của Mạc Chánh Hoà và nói là chỉ thiên tài mới có được. Tôi ao ước có được một phần nhỏ cái thiên khiếu này vậy mà có một lần sau khi đã “dô” tới bến ông tâm sự:
“Tôi xin ông, chính cái khéo tay đó là cái nhà tù giam hãm tôi, nếu có được cái tự do vụng về của ông thì tôi đã tới đâu rồi ...”
Cái cụm từ “tới đâu rồi” thật khó hiểu chỉ áng chừng đoán rằng ông không hoàn toàn vừa ý với tư thế hiện hữu của ông trong giới cầm cọ (ít nhất là tập thể hoạ sỹ Việt Nam)
Tôi không hiểu nhưng ông cười giải thích:
“Đôi khi vẽ được nguệch ngoạc, vụng về cũng là một thứ thiên tài. Tranh của trẻ thơ không đẹp sao?”
Cám ơn. Vậy thì tôi cũng là thiên tài sao ?!!!
Tôi chợt nhận ra nhận xét này cũng đúng vì thường thì chúng ta bị giam cầm trong sự khôn ngoan và kiến thức kết nạp của mình trong quá trình sống nên không cách nào tìm lại được cái nhìn ngờ ngệch đầy nghệ thuật của trẻ thơ.
Như Chúa đã nói :
“phước thay đôi mắt trẻ thơ”
Nếu có thể giải trừ mọi kiến thức khi cầm cọ để trở về cái tâm thức nguyên thuỷ vô nhiễm của trẻ thơ thì sẽ có được những tác phẩm tuyệt vời.
Thực tế thì đôi khi chúng ta chỉ bắt chước một cách vụng về cái tư tâm thức chưa ô nhiễm của trẻ thơ trong một cơn say hay khi hoá điên (điên vừa phải như Van Gogh, Gauguin, Modigliani, Chagal và những tác phẩm để đời).
Dù vẫn khuyến cáo tôi là nên luyện tập nhiều hơn về đồ hoạ nhưng tôi lại thấy là dường như chính ông đang cố thoát khỏi cái khả năng đồ hoạ thiên bẩm của ông mà không được .
Dường như ông chỉ vẽ được cái đẹp như nhìn thấy nhưng không vẽ được cái xấu, cái xù xì thô nám, cái mỹ cảm ẩn dấu sâu thẳm dưới cái thấy được, nên không vẽ được cái cổ dài ngoằng của Modigliani, hoặc những con người ngô nghê sai tỷ lệ vàng của Chagal.
Nói đúng ra không phải ông không vẽ được như vậy nhưng cái khả năng trời cho ở bàn tay khéo léo, một cách nào đóng âm thầm ngăn cản không để ông sáng tác như vậy. Có những buổi ông cố chỉ cho tôi cách vẽ lông mi phụ nữ cao cho mượt mà để không giống điều mà ông nói là “cắm lông heo và mắt người ta”. Tôi chịu thua vì lại thấy đôi mắt không vẽ lông mi của những cô gái Modigliani đẹp hơn.
Có lẽ cũng bực bội trong trong sự “giam hãm kiềm chế thiên tài” này nên thời gian sau này, thấy Mạc Chánh Hoà quay ra vẽ rất nhiều tranh vô hình thể với những khối mầu trôi nổi xô đẩy vào nhau nhưng tôi nghĩ ông không mấy thành công trong cuộc đào thoát này.
Nó chỉ gợi lên hình ảnh một “thiên tài bị nhốt trong lồng son”, đôi lúc la hét, phá phách cho hả giận nhưng rồi đành chấp nhận thân phận.