Gặp lại Nguyễn Mạnh Cường và kỷ niệm hai bức tranh
Coffee Factory ở góc đường Brookhurst và McFadden là một trong những tụ điểm ăn sáng đông khách nhất của Bônsa. Nhiều năm về trước đó là nơi người ta có thể gặp gỡ giới văn sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà báo, nhà truyền thông radio, tv và cánh thương gia hay cựu chiến binh thích giao lưu với văn nghệ sĩ, nói chung là giới tinh hoa của thế hệ di tản và vượt biên của miền Nam. Bây giờ quán vẫn đông, nhưng những người lớp cũ dường như không còn nữa, một phần thì qua đời, phần còn lại thì tuổi tác đã cao, việc đi lại ra đường giao tiếp không còn dễ dàng như trước. Tuy nhiên, quán vẫn đẹp và cô chủ vẫn xinh, như thể thời gian chỉ là một tên gọi.
Có một người nữa mà thời gian không làm ông thay đổi đi mấy, đó là Nguyễn Mạnh Cường. Ông vẫn ngồi ăn sáng một mình ở đó như hơn mười mấy năm nay. Gần chín mươi tuổi mà tự lái xe đi lại sinh hoạt, tinh thần trí nhớ tốt, ông nói "... nhờ trời, gia đình tôi làm nghề thuốc Bắc, cho nên tôi cũng thừa hưởng được chút ít và vẫn khoẻ."
Gặp tôi, ông nhắc lại chuyện cũ và nói ông còn giữ bức chân dung tôi đã vẽ cho ông tại toà soạn Viêt Weekly vào mùa hè năm 2008. Đó là những ngày bị biểu tình dai dẳng, và chúng tôi bị giới hạn sinh hoạt, cho nên anh Etcetera Nguyễn Quang Trường rủ tôi theo anh đi vẽ chân dung các nhân vật trong cộng đồng. Vẽ bằng chất liệu acrylic cho mau khô. Màu, cọ, khung hình, bố vải gì Etcetera lo hết, tôi chỉ có việc đến vẽ thôi. Etcetera là một người rất thích vẽ và vẽ rất nhiều. Còn tôi thì có một thời điên cuồng muốn làm hoạ sĩ, như cuối cùng thì làm nhiều thứ khác nhưng không phải là hội hoạ. Tuy nhiên, nếu có ai rủ đi vẽ thì bỏ việc đi ngay, như một réo gọi từ trong tiềm thức. Theo Etcetera, tôi vẽ được một số cho các nhân vật trong cộng đồng nhưng lại không nhớ rõ các bức tranh, bởi vì lắm lúc vẽ xong, chưa kịp khô màu, thì thường bị các người mẫu cầm đi ngay. Như có một lần vẽ thiền sư Vũ Công Lý xong, rất đắc ý với các gam màu đỏ dữ dội cho giống với ấn tượng của tôi có về ông, thì thấy bức tranh biến mất. Ông Vũ Công Lý còn đứng đó nhưng bức tranh thì mất tiêu, hỏi ra, ông nói đã đem về nhà cất cho ... chắc ăn và vừa quay lại! Chịu thua luôn.
Nguyễn Mạnh Cường có một tinh thần tích cực tham gia vào sinh hoạt đời sống của cộng đồng và quốc gia một cách bất biến, từ lúc hiểu biết vào đời cho đến khi rời bỏ. Ông không bao giờ từ chối tiếp cận và lúc nào cũng sẵn sàng cho ý kiến thẳng thắn về thời sự với giới truyền thông. Ở ông, câu "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" dường như là một châm ngôn hành xử.
Cái tinh thần này từ đâu mà có, tôi tò mò hỏi thăm về gia cảnh, thì được biết thân sinh của ông là cụ Nguyễn Văn Đa, người lập ra Phụ Nữ Thời Đàm mà chủ bút là cụ Phan Khôi, nhà văn nổi tiếng. Phụ Nữ Thời Đàm là một trong ba tờ báo lớn của Bắc Kỳ vào đầu thế kỷ 20 cùng với Phong Hóa của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, và Nam Phong của Phạm Quỳnh. Vào Nam năm 1954, ông Cường đã tham gia ngay vào những phong trào học sinh sinh viên, bị vào tù ra khám cũng như giữ những chức vụ lớn trong lãnh vực văn nghệ truyền thông cho đến năm 1975.
Gặp tôi một cách bất ngờ không hẹn trước, ông nói rất quý bức tranh, thế là ông ra xe lấy ngay hai bức tranh cho tôi xem. Vậy hoá ra mười mấy mấy năm nay, ngày nào đi loanh quanh ở xứ Bônsa, ông cũng mang theo bên mình hai bức tranh. Cũng lạ và thật cảm động.