Skip to content

Duyên lành hay nghiệp quả (2)

“Ðể các quốc gia trên thế giới biết rằng, dù họ muốn chúc lành hay chúc dữ cho chúng tôi thì chúng tôi (Hoa Kỳ) vẫn sẽ trả mọi giá, ghé vai mọi gánh nặng, chịu đựng mọi gian khổ...và sẽ yểm trợ mọi (quốc gia) bạn bè" – Kennedy

Khinh hạm USS Constitution, minh hoạ của Michel Felice Corné (1752–1845) - NavSource Online: Service Ship Photo Archive

Tháng 5 -1845 thuyền trưởng Jack Ðiên Percival trên chiến hạm USS Constitution bắn phá và đổ bộ một hai tiểu đội thuỷ quân lục chiến lên Ðà Nẵng. Một trăm hai chục năm sau, tháng 3 năm 1965 tái diễn cuộc đổ bộ thứ hai của của 2000 thuỷ quân lục chiến Mỹ vào bãi biển Ðà Nẵng. Nguyên do, mục tiêu có thể khác nhau nhưng lần này là khởi đầu của một can dự mới của Hoa Kỳ vào Việt Nam kéo dài trong một cuộc chiến được mô tả là dài nhất, tàn bạo nhất, cũng được coi là chiến bại đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ. Duyên lành hay nghiệp quả?

Thuyền trưởng Jack Điên (Mad Jack John Percival)

“Ðể các quốc gia trên thế giới biết rằng, dù họ muốn chúc lành hay chúc dữ cho chúng tôi thì chúng tôi (Hoa Kỳ) vẫn sẽ trả mọi giá, ghé vai mọi gánh nặng, chịu đựng mọi gian khổ...và sẽ yểm trợ mọi (quốc gia) bạn bè"
Kennedy

Phía Hoa Kỳ chính thức mất 60.000 nguời, gấp ba lần số thương binh (khoảng 200.000), phía Việt Nam cả hai miền Nam Bắc theo nhiều thống kê tính trung bình có khoảng trên 2 triệu người Việt thiệt mạng. (Lực lượng Bắc Việt (NVA) khoảng trên một triệu). Xương máu, thống khổ ngút ngàn và cuối cùng người Mỹ lại bỏ đi năm 1975 tương tự như ông thuyền tưởng Jack Ðiên lặng lẽ bỏ đi mà không đạt đuợc thành quả nào. Duyên lành hay nghiệp quả giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã chấm dứt chưa hay còn vướng mắc? Câu hỏi này chỉ có thể lời giải đáp nếu trở ngược lại từ hai cuộc thế chiến, nhìn lại toàn bộ bàn cờ thế giới, khi Hoa Kỳ từ một tân quốc gia non nớt, cựu thuộc địa của người Anh, nơi quy tụ những con người cùng khổ của Âu Châu, đã vươn vai thành một đại cường, một loại siêu đế quốc mới, đóng vai minh chủ thống trị thế giới cho đến hiện nay. Trên một thế kỷ trôi qua (1918-2019) vai trò ưu việt và thế thượng phong của Hoa Kỳ vẫn không có đối thủ. Manh nha một hai thách thức dành ngôi vị này như phát xít Ðức, Nhật đều bị khuất phục và hiện nay với sự trỗi đậy hung hăng của con sư tử ngủ Ðông Phương (Trung Hoa) thì một mối quan hệ mới mong manh cũng mở ra giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Quan hệ này sẽ diễn tiến như thế nào và ảnh hưởngthế nào tới thân phận của Việt Nam trong những ngày sắp tới là một câu hỏi cực kỳ phức tạp đòi hỏi một sự khảo sát sâu xa những thành tố chính trongkhu vực ba đại dương Pacific-Indo-Southern Ocean gồm Nhật Bản Trung Hoa, Ấn Ðộ, Úc Châu. Quan trọng hơn cả là tìm hiểu ngược lại vai trò, mục tiêu cốt tuỷ của của Hoa Kỳ trong khu vực Pacific Rim (bên kia bờ Thái Bình Dương) đặc biệt là mối duyên nghiệp với Việt Nam kể từ lúc bùng nổ đệ nhị thế chiến.

Mỗi quốc gia cũng như mọi sinh vật, nỗ lực tranh thủ dành ngôi chủ tể vẫn liên tục tiếp diễn. Thấp thoáng từ sau đệ nhị thế chiến là sự de dọa của khối Cộng Sản với Nga SôTrung Cộng mặc dù cả hai đối tượng này đẩy tới tận cùng thực ra “chỉ là một sản phẩm của Hoa Kỳ” được vun xới dưới thời tổng thống Roosevelt mà mục tiêu chính là sử dụng như một phương tiện để gián tiếp “thủ tiêu chế độ thực dân.” Xa hơn nữa là minh định vai trò chủ tể thế giới , vai trò độc cô cầu bại. (Unchanllengable, no contest) của Hoa Kỳ. Ðối với ông tổng thống vĩ đại này thì kẻ thù của nước Mỹ, không phải là Cộng Sản mà là bọn Thực Dân. Thực dân Anh Pháp khống chế mậu dịch quốc tế, bóc lột, khai thác nhiều dân tộc suốt ba thế kỷ, trải qua ba đại lục. Tình trạng này không thể tiếp tục. Roosevelt nói rất rõ: “Chiến thắng Phát xít trong đệ nhị thế chiến phải đi cùng với việc giải thể chế độ thực dân, các thuộc địa phải được giải phóng, thị trường thế giới phải được "mở cửa tự do (open door policy)." Quốc Xã toàn thắng trong giai đoạn đầu, nước Pháp đầu hàng nhục nhã, không kháng cự, nước Anh gần chìm xuồng nếu không có tiếp vận võ khí ào ạt từ Hoa Kỳ nhưng nước Mỹ vẫn nhởn nhơ đứng ngoài vòng chiến nhờ sự bảo vệ của hai chiến lũy thiên nhiên là Thái Bình Dương và Ðại Tây Dương. Roosevelt tiếp tục chờ đợi ... chờ đợi ... không chịu ra tay cứu giúp cho đến lúc gập thủ tuớng Anh Churchill để đưa những điều kiện căn bản cuả Hoa Kỳ trong một văn kiện khai tử chế độ thực dân được biết đến với tên gọi “Hiến chương Ðại Tây Dương - Atlantic Charter.” (Trong Mắt Bão Lịch Sử, tập 3 Cuồng phong đã nổi)

Cả hai phe Mỹ Anh đồng thuận ký kết và long trọng công bố một bản thông cáo chung 8 điểm, được coi như là "một hiến chương của toàn thể nhân loại.” Cần lưu ý là bản hiến chương này không là một hiệp ước nhưng những cam kết bán chính thức giữa Roosevelt và Churchill đã quy định, đã đưa tới, đã khởi nguồn mọi biến cố trên quả địa cầu trong gần một thế kỷ qua nên tất nhiên cũng ảnh hưởng tới sinh mạng của Việt Nam suốt hai cuộc chiến, chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhất giữa Pháp và Việt Nam, nội chiến Quốc Cộng trong khuôn khổ chiến tranh lạnh. Vì thế, sẽ không thể nắm bắt được cốt tuỷ những diễn biến trong tình hình thế giới cho đến ngày hôm nay, từ những biến cố địa phương như việc Trung Hoa cưỡng chiếm Hoàng Sa cho đến sự đối đầu có thể đưa đến chiến tranh toàn diện giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ ... nếu không nhìn lại lịch sử cận đại với bản hiến chương này. Tuyên cáo mở đầu của Hiến Chương Ðại Tây Dương ghi nhận:

.... Nhân danh Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh, với niềm hi vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn thế giới, chúng tôi long trọng tuyên cáo về những nguyên tắc chỉ đạo đã được cả hai quốc gia đồng chấp nhận, và sẽ được dùng làm khuôn mẫu cho mọi đường lối hành động ...

Bìa sách "Roosevelt và Churchill, Hiến Chương Đại Tây Dương, Cuộc gặp gỡ đầy rủi ro trên biển đã cứu nền dân chủ" của Michael Kluger và Richard Evans

Mới đầu người ta cho rằng cái “khuôn mẫu” được nêu lên trong bản hiến chương chỉ có gía trị như một cam kết mang tình danh dự nhưng không ràng buộc (non-biding) giữa hai quốc gia đồng minh nhưng sau này mới thấy đây chính là Bản tuyên ngôn cho toàn thể nhân loại.

Khoản 1
Hoa Kỳ và Anh quốc sẽ không tìm cách bành trướng lãnh thổ hay mọi hình thức bành trướng khác.

Khoản 2
Hai nước không muốn thấy sự thay đổi lãnh thổ, nếu những sự thay đổi này không thuận theo những nguyện vọng được bầy tỏ tự do của những dân tộc liên hệ.

Khoản 3
Tôn trọng quyền của mọi con người trong việc lựa chọn hình thức chính quyền mà họ đang sống, cũng như mong mỏi được thấy chủ quyền quốc gia, quyền tự cai trị (độc lập) được trả lại cho những người mà quyền này đã bị tước đoạt bằng võ lực.

Khoản 4
Trong khuôn khổ sự tôn trọng những ràng buộc hiện hữu của mình (?), Hoa Kỳ và Anh Quốc sẽ cố gắng để mọi quốc gia, lớn cũng như nhỏ, chiến thắng cũng như chiến bại, được tham dự, được thụ hưởng những “điều kiện đồng đều, về mậu dịch và nguồn nguyên liệu” cần thiết cho sư thịnh vượng kinh tế của mình.

Khoản 5
Hoa Kỳ và Anh quốc mong muốn mang lại sự hợp tác chặt chẽ nhất, giữa các quốc gia trong lãnh vực kinh tế, để bảo đảm cho mọi người một sự cải thiện quy chế lao động, mức sống kinh tế và an sinh xã hội.

Khoản 6
Sau khi sự thống trị của phe Quốc Xã đã bị tiêu diệt (coi như đã thắng dù chưa tham chiến), hai quốc gia hy vọng sẽ kiến tạo được hòa bình, một nền hòa bình trong đó mọi quốc gia đều có quyền sống an lành trong phạm vi lãnh thổ của mình. Một nền hòa bình trong đó mọi con người, trên mọi mảnh đất, đều được bảo đảm quyền sống một cuộc đời không bị khống chế bởi sợ hãi và thiếu thốn.

Khoản 7
Một nền hòa bình dự liệu như trên, sẽ cho phép mọi người băng qua mọi biển cả đại dương, mà không gặp cản trở nào.

Khoản 8
Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh tin rằng dựa vào nhữnglý do cụ thể hoặc tinh thần, mọi quốc gia trên thế giới, phải từ bỏ việc dùng bạo lực , vì hòa bình sẽ không thể tồn tại trong tương lai, nếu những loại chiến cụ (trên không, trên mặt biển và trên đất liền) được các quốc gia sử dụng để đe doạ , có ý đồ đe dọa, hoặc để xâm lăng các nước khác.

Hoa Kỳ và Anh Quốc tin rằng trong lúc chờ đợi một định chế an ninh tổng quát rộng rãi và thường trực, việc giải giới những quốc gia có tham vọng xâm lăng là chuyện cần thiết.

Hoa Kỳ và Anh Quốc vì vậy sẽ trợ giúp, khuyến khích mọi biện pháp khả thi, để giúp những dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhẹ được gánh nặng võ trang (Hoa Kỳ sẽ đứng ra làm cảnh sát trưởng ?!)

Hiến Chương Đại Tây Dương

Latest