Đông Duy ra mắt sách, Trịnh Cung phê bình
Con tằm thì phải nhả tơ. Nhà văn nhà báo nhà sử học nhà khoa học nhà hoạ sĩ nhà nhạc sĩ Đông Duy ở tuổi ngoài 80, vào một buổi sáng thứ bảy đầu thu liêu xiêu mang một túi sách nặng mới sáng tác ra quán Coffee Factory ở Bônsa để khoe với bạn hữu. Ông sáng tác cùng một lúc ba tác phẩm rất vừa ý, hồi ký "Hôm Nay Tôi Làm Báo", nghiên cứu liên quan giữa vật lý lượng tử và đạo Phật "Bí Số Vũ Trụ", và bộ sử quan hệ quốc tế "Mỹ-Việt, Duyên Và Nghiệp"
Ra đường ở Bônsa phải cẩn thận xứ rừng gươm chữ nghĩa. Vừa ngồi xuống, thăm hỏi chưa được vài câu, đại hoạ sĩ Trịnh Cung đã lên tiếng xin được phê bình sự trình bày những bìa sách của Đông Duy. Mọi người chung quanh đều hớn hở muốn được nghe ý kiến có thực chất từ một tên tuổi lớn. Hoạ sĩ Trịnh Cung mở phần đầu bằng lời khen nổ lực nghị lực hơn người của Đông Duy, rồi sau đó ông nhanh chóng đổi chiều sang phần hai bằng chữ "nhưng" báo hiệu cho những căng thẳng khiến cả bàn cà phê đều nín thở.
Trịnh Cung là một hoạ sĩ lão thành từ thập niên 1960 với nhóm Hoạ sĩ Trẻ cùng thời với những tên tuổi như Nguyên Khai, Hồ Thành Đức, Bé Ký, Rừng, hay Đinh Cường. Là một hoạ sĩ nổi tiếng, nhưng ông cũng là một nhà thơ tài danh. Nhiều người biết ông qua những bài thơ được phổ nhạc như "Ừ Thôi Em Về" của Trịnh Công Sơn, hay "Ở Đây Thôi Ở Đây Đành" của Lê Uyên Phương. Không những thế ông còn là một nhà phê bình nghệ thuật và bình luận gia thế sự gây nhiều tranh cãi. Ở tuổi ngoài 80, ông sáng tác hội hoạ, triễn lãm và cho ra đời những cuốn sách mới, sức sáng tác sung mãn không kém gì Đông Duy.
Ông định cư hẳn ở Mỹ khoảng 7 năm nay và là một tên tuổi nổi bật trong sinh hoạt của cộng đồng Bônsa. Hai người con của ông là nhạc sĩ vĩ cầm Luân Vũ và nhạc sĩ dương cầm Vương Hương vừa dựng lên quán nhậu "LV Bar and Grill" ở góc đường Magnolia và McFadden, ban đêm ca nhạc rộn ràng tới khuya và thơm phức mùi ẩm thực sành điệu cho dân sành ăn.