Tại sao người Việt Quốc Gia sẽ phải thua và Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ gặp khó?
1. Về Người Việt Quốc gia ở Hải ngoại
Vũ khí lợi hại nhất của người Việt Quốc gia ở hải ngoại trong cuộc đấu tranh chống Cộng là lý thuyết tự do dân chủ. Nhưng oái oăm thay, nhược điểm chết người nhất của họ là chưa biết sinh hoạt tự do dân chủ.
Trên thế giới, phe tự do dân chủ đã thắng phe Cộng sản trong Chiến Tranh Lạnh, điều này chứng tỏ chủ nghĩa tự do dân chủ ưu việt hơn chủ nghĩa Cộng sản. Đáng lẽ ra đây là một lợi thế cho phía người Việt Quốc gia ở hải ngoại, nhưng người Việt Quốc gia về căn bản vẫn chưa hình thành được nền tảng sinh hoạt tự do dân chủ, thậm chí càng sinh hoạt, càng bộc lộ khuynh hướng độc tài. Trong khi đó, kể từ giữa thập niên 1980, người Việt Cộng sản cũng không còn là Cộng sản, và đã có những thay đổi sâu đậm về chính trị với chính sách được mang tên là "Đổi mới."
Lý thuyết tự do dân chủ dựa vào tiền đề trao quyền quyết định của đất nước vào tay người dân qua tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bầu cử và những định chế như đa đảng và tam quyền phân lập. Đây là một lý thuyết thực dụng hấp dẫn đã được nhiều quốc gia dùng để phát triển đất nước một cách lành mạnh, nhân bản và ổn định. Tuy nhiên, cũng có không ít quốc gia đã không đi được đến cái đích cuối cùng của lý thuyết này, lạc đường vào độc tài, tham nhũng, và phân liệt.
Cho nên, không phải ai muốn là cũng có khả năng đi hết được con đường này. Nhất là khi những người muốn đi con đường này chưa xác định được yếu tố nào đã giúp cho những nước thành công và cản trở những nước thất bại. Càng tồi tệ hơn nữa, nếu những người muốn đi con đường này chưa chứng tỏ tấm thực lòng yêu quý tự do dân chủ. Có ai trong những người Việt Quốc gia chống Cộng dám tự cho là người "sẵn sàng bảo vệ tiếng nói bất đồng với mình" chưa, như một điều kiện tiên quyết của một văn hoá sinh hoạt tự do dân chủ?
Nếu câu trả lời cho câu hỏi trên là không có, là ít có, hoặc ngay cả có mà chưa xuất hiện, thì kết luận tất yếu phải là người Việt Quốc gia ở hải ngoại chưa hội đủ điều kiện để thắng trong cuộc đấu tranh chống Cộng này. Người ta không thể đấu tranh một cách thành công cho một điều mà họ không thực sự tin tưởng.
Nhưng cũng có một sự thật hiển nhiên là ở hải ngoại, những người không thích Cộng sản rất nhiều, nếu không muốn nói là đại đa số. Có nhiều lý do cho hiện tượng này. Lý do trước hơn hết là vì họ xuất phát từ miền Nam, phía bên kia chiến tuyến của cuộc chiến tranh Quốc-Cộng. Thứ nhì, họ sống trong những quốc gia tự do dân chủ, cho nên khuynh hướng ủng hộ tự do dân chủ là một hệ quả đương nhiên.
Nhưng họ không phải là những người đã qua đấu tranh để có được môi trường tự do dân chủ đang có. Họ được thừa hưởng môi trường sống và thành quả có sẵn của một xã hội tự do dân chủ sở tại. Họ ủng hộ việc chống Cộng vì ghét Cộng sản hơn là vì yêu tự do. Họ chỉ yêu tự do như một khái niệm, nhưng không yêu tự do như một thực hành. Khi không thực sự yêu tự do, họ đã đánh mất vũ khí lợi hại nhất mà họ có thể có được trong cuộc đối đầu này. Và khi không thực sự yêu tự do, thì họ cũng không sẵn sàng chết cho lý tưởng tự do, nhất là chết để cho người khác có tự do. Do đó, đa số họ là những người thụ động trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ.
Câu hỏi được đặt ra là nếu không phải vì tự do dân chủ, thì động cơ nào đã giúp cộng đồng người Việt Quốc gia ở hải ngoại đấu tranh chống Cộng một cách tự phát và kiên trì trong bao nhiêu năm qua như thế? Câu trả lời là, vì lòng yêu quê hương đất nước. Họ muốn thấy một Việt Nam độc lập, công bình và no ấm phú cường. Chính vì thế mà khi Việt Nam mấy chục năm trước còn nghèo đói, họ đấu tranh mạnh mẽ toàn diện hơn, nhưng nay khi Việt Nam đang trên đà phát triển, động cơ đấu tranh đã giảm thiểu, chỉ còn lại tập trung vào những bất công của xã hội.
Thành ra, sự lúng túng của những người Việt Quốc gia bắt nguồn tự việc vay mượn nương tựa một lý thuyết tự do dân chủ chỉ vì sự tiện dụng của nó trong việc tranh luận với phía Cộng sản. Họ dùng tự do dân chủ để lý luận đối đầu với lý thuyết xã hội chuyên chế tập trung của Cộng sản cổ điển, trong khi họ không nhìn ra được rằng xã hội đó đã thay đổi về bản chất khá nhiều khi hội nhập vào nền kinh tế thị trường của cộng đồng những quốc gia tư bản. Những phê phán của họ phần nhiều chú tập vào những sai lầm của Cộng sản ở giai đoạn Chiến Tranh Lạnh hơn là hiện tại.
Nói tóm lại, người Việt Quốc gia hải ngoại đã vay mượn chính nghĩa và đánh sai mục tiêu, khiến cho nổ lực đấu tranh của họ không mang lại kết quả và phong trào Chống Cộng do họ lãnh đạo ngày càng lụi tàn.
2. Về Đảng Cộng Sản Việt Nam
Đối với một dân tộc mà việc bảo vệ đất nước chống ngoại xâm là ưu tiên hàng đầu thì chỉ với một sự nghiệp đánh đuổi Thực dân Pháp không thôi, cũng đủ cho đảng Cộng sản Việt Nam có chính nghĩa rồi. Mặc dù Chủ nghĩa Cộng sản được đánh giá là một sai lầm của thế kỷ 20 với những thất bại về mô hình kinh tế tập trung cùng với những tội ác như ngục tù Gulag, Cách mạng Văn hoá, Đại Nhảy Vọt hay Cánh Đồng Chết giết hại hàng chục triệu người. Nhưng Việt Nam đã không bị chỉ trích vì trong suốt thời gian đối đầu giữa hai phe Tự do và Cộng sản, họ đã bận bịu chiến tranh liên tục với Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Khờ me đỏ. Những chính sách như Cải cách ruộng đất, tập trung cải tạo, đánh tư sản mại bản, và kinh tế mới tạo ra tầng lớp người Việt căm thù cộng sản, nhưng không bị thế giới lên án ở tầm cỡ như Liên Xô hay Trung Quốc.
Có lẽ bắt nguồn từ bản chất thực dụng và không thích giáo điều của văn hoá Việt Nam, người Cộng Sản Việt Nam đã nhanh chóng quyết định chọn con đường "Đổi mới" sau chiến tranh, bắt đầu từ Đại hội Đảng năm 1986, trước sự kiện Liên Xô tan rã 3 năm. Tính thực dụng đó cũng giải thích được việc chọn cứu cánh chủ nghĩa Cộng sản để giải phóng đất nước ra khỏi gông cùm thực dân Pháp khi mà các cường quốc tư bản vẫn mãi lo giành giựt thuộc địa và không thực lòng trao trả độc lập. Việt Nam Cộng Hoà hình thành là do công của Việt Minh. Nếu không có cuộc kháng chiến của Việt Minh thì Pháp đã không bị áp lực để trả độc lập quốc gia cho Bảo Đại. Và nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ thì cũng không có miền Nam Việt Nam. Người Việt Quốc gia cần trung thực nhìn nhận nhận sự thật lịch sử này.
Nhưng cho dù có giải thích như thế nào đi nữa thì chế độ kinh tế tập trung của chủ thuyết Cộng sản đã chứng tỏ sự phá sản của nó qua thời kỳ đói rách bao cấp của Việt Nam từ 1975 cho đến 1985. Kinh tế Việt Nam chỉ khởi sắc sau khi Mỹ bỏ cấm vận và từng bước cho phép Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thị trường của phe tự do dân chủ. Sự thành công về kinh tế của Việt Nam hiện nay không phải vì chính sách "Đổi mới" ưu việt hay vì một lý thuyết Cộng sản bổ xung nào hết, mà thuần tuý là vì Việt Nam quản lý và huy động sức lực tài nguyên của cả nước như một đơn vị kinh tế thống nhất để có ưu thế cạnh tranh trong thị trường kinh doanh tư nhân của quốc tế. Một quốc gia cạnh tranh với một công ty, dù là công ty quốc tế liên quốc gia, thì cũng vẫn có ưu thế hơn nhiều. Đây là con đường Trung Quốc đã đi để đạt mức tăng trưởng kinh tế thần tốc. Đây cũng là con đường Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cũng đã từng đi bằng những biện pháp độc tài dù dưới những hình thức và mực độ khác nhau. Vào thập niên 1980, khi Nhật liên tục qua mặt những công ty Mỹ trong những lĩnh vực như xe hơi, đồ điện tử, và siêu máy tính, báo giới Mỹ đã ví von gọi Nhật là "Japan, Inc." tức là cả quốc gia Nhật Bản hoạt động như một công ty.
Phát triển kinh tế tốt, đời sống người dân được cải thiện, thế chính danh của chính quyền Cộng sản Việt nam được cũng cố. Vị thế của Việt Nam ở Đông Nam Á và trên thế giới càng tăng. Ngày nay, khó có thể hình dung được đa số người dân muốn lật đổ chế độ Cộng sản đang có. Tuy nhiên, về mặt bản chất, cơ chế chính trị nửa vời được gọi là "dân chủ tập trung" độc đảng của Việt Nam, không hẳn độc tài, nhưng cũng không thực sự dân chủ, đã tạo ra những lỗ hổng để lạm quyền, tham nhũng và bất công xảy ra tràn lan. Đây chính là nguy cơ diệt vong của đảng Cộng sản Việt Nam.
Việt Nam đang đối diện với một nan đề: phát triển tốt kinh tế là lý do chính đáng để đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại, nhưng càng phát triển kinh tế, người dân càng trở nên giàu có, độc lập hơn với nhà nước, và đến một lúc nào đó sẽ đòi hỏi dân chủ thực sự, như đã từng xảy ra ở Hàn Quốc năm 1997 và ở Đài Loan vào năm 2000. Hiện tại, cũng chính vì nan đề này mà Trung Quốc đang càn quét các công ty lớn và các nhân vật giàu có ảnh hưởng để chặn đứng thời điểm xung đột bùng nổ trước khi quá muộn. Việt Nam đi sau Trung Quốc, nhưng trong vòng khoảng 20 năm cũng sẽ phải đối phó với một tình thế tương tự. Làm gì trong 20 năm đó để tránh diệt vong và tiếp tục đưa đất nước đi lên là câu hỏi trăn trở nhất đối với những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại.
3. Kết luận
Có thể thấy rằng giới lãnh đạo của cả hai phía người Việt Quốc Gia ở Hải ngoại và người Việt Cộng Sản đều giống nhau ở chổ muốn giành quyền cai trị đất nước, và cả hai đều chưa muốn Việt Nam được tự do dân chủ thật sự. Phía người Việt Quốc gia mặc dầu ngoài miệng nói muốn có tự do dân chủ, nhưng với quá trình sinh hoạt phản tự do dân chủ, không có gì bảo đảm rằng họ sẽ sống chết bảo vệ cho tự do dân chủ một khi nắm quyền. Giữa hai chọn lựa người cầm quyền thì đảng Cộng sản Việt nam vẫn tốt hơn, bởi vì họ có bề dày kinh nghiệm chính trị và sức mạnh tổ chức, có thể mang lại được ổn định cần thiết trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện tại.
Về lâu dài, người Việt hải ngoại mặc dầu được sống trong môi trường tự do dân chủ, nhưng nếu không xây dựng được những tập quán, định chế và tạo ra sức mạnh dân chủ, thì họ sẽ tự vô hiệu hoá và bị loại ra khỏi ngoài vòng chiến, không có một ảnh hưởng gì đến vận mệnh chính trị trong tương lai của Việt Nam.
Chỉ còn lại hai thế lực đối kháng tiềm tàng là đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Hiện tại cả hai đều hài lòng với tình thế hiện có. Chính quyền tiếp tục làm tốt công cuộc phát triển kinh tế, và nhân dân nổ lực làm giàu. Cuộc đụng độ về mặt lý thuyết có thể xảy ra trong tương lai còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng ngay cả khi nó xảy ra, phía nhân dân vẫn bị thất thế vì cũng chưa có trãi nghiệm sinh hoạt tự do dân chủ thật sự, dễ dàng làm mồi ngon cho những nguỵ dân chủ, quân phiệt độc tài, hoặc ngoại bang cướp trên tay thành quả đấu tranh.
Dĩ nhiên, kịch bản tối ưu là nếu đảng Cộng sản Việt Nam làm được bước "đổi mới 2" ngoạn mục từ Cộng sản trở thành tự do dân chủ cho bản thân và cho đất nước, thì công trạng chính danh còn vững chắc hơn gấp bội, bởi vì không những Đảng đã lèo lái dân tộc qua những cuộc chiến tranh giành độc lập, mà còn lèo lái một cách thành công trong công cuộc xây dựng một Việt Nam nhân bản, ổn định và hùng cường.